SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý gạo "Thẩm Dương" cho sản phẩm gạo nếp Khâu Tan Đón

[05/01/2018 16:14]

Ngày 08 tháng 12 năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 4248/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00060 cho sản phẩm Gạo nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương nổi tiếng. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Lúa nếp Khẩu Tan Đón là giống lúa nếp bản địa, gắn với truyền thuyết huyền bí về một bà tiên. Truyền thuyết của người Thái kể lại rằng, từ xa xưa, có vị tiên bà vì thương người Thái quanh năm chăm chỉ mà ban cho giống thóc quý, rồi dặn họ phải tìm được mảnh đất phù hợp cho hạt nảy mầm lên cây tốt tươi. Sau bao năm thử trồng, đánh đổi nhiều vụ hạt lép, lúa không trổ bông, cuối cùng, cộng đồng người Thái cũng tìm ra “mảnh ruộng vàng” bên dòng Nậm Con trong vắt.

Gạo nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương

Theo tiếng dân tộc Tày, “Khẩu” có nghĩa là giống, “Tan Đón” có nghĩa là “nếp trắng”, “Thẩm Dương” là tên xã thuộc huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Giống lúa nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương có tên khoa học là Oryza sativa l.Glutinosa Tanaka. Hạt thóc không có râu, hạt gạo tròn bầu. Chiều dài hạt gạo từ 0,48cm - 0,63cm, chiều rộng hạt từ 0,30cm - 0,41cm. Hạt gạo có màu trắng, mùi rất thơm. Sau khi nấu chín, hạt xôi dẻo dính, có vị ngọt ngậy, có lớp tinh dầu bám trên bề mặt lá dong hoặc lá chuối khi gói xôi.

Gạo nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương có đặc tính chất lượng như sau: Hàm lượng protein tổng số từ 6,23% - 7,03%; Hàm lượng tinh bột từ 68,58% - 70,23%; Hàm lượng sắt từ 15,06mg/kg - 17,93mg/kg; Hàm lượng vitamin B1 từ 0,42mg/100g - 0,63mg/100g; Hàm lượng Amylose từ 2,67% - 3,70%.

Những tính chất, chất lượng đặc thù của gạo nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương có được là do điều kiện địa lý tự nhiên của khu vực địa lý và kinh nghiệm canh tác của người dân.

Khu vực địa lý là vùng thung lũng nằm giữa hai dãy núi lớn là dãy Hoàng Liên Sơn ở phía Tây Bắc và dãy Con Voi ở phía Đông Nam, ở độ cao từ khoảng 300 - 500 m so với mực nước biển. Do đặc điểm là vùng thung lũng được bao bọc bởi những dãy núi cao nên vùng trồng lúa nếp có nhiệt độ trung bình năm từ 23,50C - 24,50C, nhiệt độ cao vào các tháng 7, tháng 8 là 260C - 270C, trong khi đó các vùng trồng khác thuộc các xã Dương Quỳ, Hòa Mạc, Nậm Xây, Làng Giàng đều nằm trong dải nhiệt độ trung bình năm cao hơn từ 10C - 20C. Mặt khác, do tính chất của vùng thung lũng nên biên độ nhiệt độ đêm tại vùng trồng lúa nếp Thẩm Dương khá lớn, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm là từ 70C - 80C vào tháng 7 và chênh lệch từ 50C - 60C vào tháng 8, trong khi đó tại các vùng trồng lúa nếp Khẩu Tan Đón khác, giá trị này khoảng 30C - 40C vào tháng 7 và 20C - 30C vào tháng 8. Đây là điều kiện rất quan trọng tạo nên sự khác biệt về mặt khí hậu giữa các vùng trồng lúa Khẩu Tan Đón và mang lại tính đặc thù về hình thái và chất lượng gạo Khẩu Tan Đón khi trồng tại Thẩm Dương. Chất lượng gạo được quyết định trong giai đoạn cây lúa chuyển dần từ sinh trưởng sinh dưỡng sang sinh trưởng sinh thực (phân hóa mầm hoa), mà biên độ nhiệt độ ngày đêm có tính chất quyết định đến tính trạng chất lượng lúa trong giai đoạn hình thành hoa và hạt.

Cây lúa nếp Khẩu Tan Đón ở Thẩm Dương được trồng trên 04 loại đất: 1) Đất phù sa chua, đọng nước, điển hình (FLdy.stha) phân bố chủ yếu ở Bản Bô; 2) Đất xám đọng nước, nhiều sỏi sạn, điển hình (ACst.skha) với phân bố chủ yếu ở vùng Bản Thẳm; 3) Đất xám đọng nước, nghèo bazơ, điển hình (ACst.vtha) phân bố chủ yếu ở vùng Bản Ngoang, Bản Thẳm; 4) Đất dốc tụ, đọng nước, cơ giới nhẹ (RGdy.star) phân bố chủ yếu ở bản Ngoang. Trong khi đó, lúa nếp Khẩu Tan Đón trồng ở xã Hòa Mạc, Dương Quỳ, Nậm Xây,… chủ yếu được trồng trên các loại: đất phù sa chua, cơ giới nhẹ lẫn sỏi sạn (Fldy.arsk); đất phù sa cơ giới nhẹ, chua (Flar.dyha); đất dốc tụ glây chua điển hình (RGgl.dyha); đất dốc tụ cơ giới nhẹ nhiều sỏi sạn (RGar.stsk).

Bản chất đất phù sa đọng nước ở Thẩm Dương được hình thành từ bồi tụ phù sa của hệ thống sông suối, đất xám đọng nước được hình thành trên các sườn núi nằm ở các độ cao trung bình của xã, đất dốc tụ đọng nước nằm ở các thung lũng và hình thành nên các khu trồng lúa lâu đời của bà con nông dân trong vùng. Đây là các loại đất có thành phần cơ giới trung bình, các hạt mịn chiếm tỷ lệ lớn, đó là điều kiện thuận lợi để hình thành nên tính giữ nước và dinh dưỡng cho đất. Đối với các vùng trồng lúa nếp Khẩu Tan Đón khác chủ yếu là các loại đất dốc tụ và đất phù sa cơ giới nhẹ và lẫn sỏi sạn.

Do đặc điểm địa hình là vùng thung lũng nên sự rửa trôi các yếu tố kiềm và kiềm thổ tại Thẩm Dương diễn ra ít và không thường xuyên như các vùng khác trong huyện Văn Bàn, vì vậy, đất ở Thẩm Dương có độ chua ít hơn so với các vùng khác.

Đặc thù tính chất đất trồng lúa Khẩu Tan Đón xã Thẩm Dương còn thể hiện ở hàm lượng cacbon hữu cơ tổng số ở mức giàu, đây là đặc tính rất quan trọng có tính chất quyết định đến năng suất chất lượng lúa nếp. Hàm lượng cacbon tổng cao ảnh hưởng lớn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất và thúc đẩy sự hoạt động của các vi sinh vật có ích. Hàm lượng cacbon hữu cơ tổng số trong đất giàu, đất có màu nâu đen đặc trưng, đất tơi xốp, giữ ẩm tốt. Điều này lý giải tại sao trong canh tác người dân Thẩm Dương bón rất ít đạm, cây lúa phát triển tốt và đạt chất lượng.

Vùng trồng lúa nếp Thẩm Dương được cung cấp nước tưới chủ yếu từ suối Nậm Con. Kinh nghiệm canh tác lâu đời của người dân ở huyện Văn Bàn cho thấy cây lúa nếp được tưới nước từ dòng suối Nậm Con cho chất lượng gạo cao hơn hẳn các vùng trồng lúa Khẩu Tan Đón khác. Yếu tố nước tưới được xác định có sự đặc thù liên quan đến chất lượng gạo Khẩu Tan Đón, đó là nước tưới được dẫn về từ suối Nậm Con, nước có nhiệt độ thấp, chứa nhiều chất khoáng, vi lượng, nước không bị ô nhiễm hữu cơ; Nước tưới đúng thời kỳ cây phân hóa mầm hoa và hình thành vật chất trong hạt, vì vậy, đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt lúa.

Vụ nếp Thẩm Dương bắt đầu từ trung tuần tháng Tư âm lịch, khi nắng mùa hè vàng như rót mật, dòng nước trong mát từ suối Nậm Con tràn về các chân ruộng bậc thang, người Thái, người Tày đem những hạt nếp nảy mầm gieo mạ, rồi làm đất cấy lúa. Đến độ tháng 9, tháng 10 âm lịch về Thẩm Dương, đến suối Nậm Con đã thấy hương thơm ngào ngạt. Đó là hương cốm mới, hương thơm từ những chõ xôi bên bếp lửa và cả hương thơm từ những gốc rạ tỏa ra.

Từ xa xưa, người ta lý giải nếp Thẩm Dương ngon bởi một tay con gái Thái khéo léo chăm sóc. Nếp Thẩm Dương dẻo thơm thuộc hàng “đệ nhất nếp” cũng bởi được trồng ở vùng khí hậu đặc trưng, nguồn nước tưới lấy từ khe suối. Nậm Con trong vắt chảy róc rách từ núi Pú Hẻo về. Nhưng khi giống lúa này đưa về nơi khác trồng lại không còn nguyên vị dẻo thơm đặc trưng nữa. Phần vì không hợp khí hậu, đất đai, phần vì không phải người Thái, người Tày Thẩm Dương chăm sóc. Từ khâu làm mạ, nhổ mạ đến khi cấy và thu hoạch, nếp Thẩm Dương đã nhận được tình yêu, sự nâng niu, chăm bón của những cặp vợ chồng người Thái, người Tày. Chồng nhổ mạ, vợ cấy, vợ gặt, chồng gánh gồng vì thế gạo nếp tinh lọc mùi thơm từ đất, nước, vị dẻo ngon từ tình yêu thương.

Khu vực địa lý bao gồm Bản Ngoang, Bản Thẳm, Bản Bô thuộc xã Thẩm Dương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

 

Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ