SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Không để 4.0 "hù dọa" một cách quá mức

[26/01/2018 09:07]

Nên tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hết sức thận trọng, tỉnh táo. Không chối bỏ nhưng cũng không để nó “hù dọa” một cách quá mức - ý kiến của ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: BN

Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Ngân hàng Nhà nước xây dựng các chính sách để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; đầu tư cho các nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, đổi mới công nghệ tại các tập đoàn, doanh nghiệp…. Đây là một trong số những công việc cụ thể Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thể hiện “vai” của mình đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thông tin trên được ông Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao – Bộ KH&CN đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ Quý IV/2017. Buổi họp báo được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cùng sự tham dự đại diện một số đơn vị chức năng thuộc bộ.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, năm 2018, nhiều nhiệm vụ quan trọng sẽ được ngành KH&CN tập trung triển khai. Một trong số đó là chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc CMCN4.0.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cách mà Việt Nam đang tham gia cũng dành được nhiều sự quan tâm của báo giới.

Trả lời các câu hỏi này, ông Đàm Bạch Dương đã đưa ra nhiều thông tin cho thấy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. 

Theo ông Đàm Bạch Dương cuộc cách mạng này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tạo ra những tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

“Mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau. Có quốc gia vào cuộc nhanh, tích cực (các quốc gia G7 như: Đức, Mỹ, Nhật, Pháp… ) nhưng cũng có nhóm quốc gia phản ứng tiêu cực, tức là không quan tâm nhiều thậm chí không để ý – đây là những quốc gia mức độ phát triển không cao. Nhóm thứ ba là nhóm ở giữa – chiếm đại đa số các quốc gia trên thế giới là tìm hiểu về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đánh giá một cách bài bản, từ đó đưa ra được ứng xử của mỗi quốc gia đối với cuộc cách mạng này” – ông Dương phân tích và cho biết trong xu thế này Việt Nam thuộc các quốc gia chủ động tìm hiểu để có bước đi phù hợp.

 

Theo đó, ông Dương cho rằng, quan điểm của Bộ khi tham mưu cho Chính phủ là Việt Nam nên tiếp cận cuộc Cách mạng 4.0 hết sức thận trọng, tỉnh táo. Không chối bỏ nhưng cũng không để nó “hù dọa” một cách quá mức.

Khi chưa có nghiên cứu thấu đáo tuyệt đối không đưa ra những khuyến nghị với Chính phủ theo cách không chuẩn xác, bởi rất có thể sẽ gây hoang mang đối với xã hội hoặc đưa ra những chính sách không phù hợp” – ông Dương cho biết.

Đồng tình quan điểm này, ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ KH&CN bổ sung thêm thông tin, với vai trò là đầu mối, Bộ KH&CN đang cùng với các bộ, ngành triển khai cẩn thận, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 một cách thấu đáo, làm rõ nội hàm và rất quyết liệt.

Chắc chắn không thể vội vàng đưa ra hướng đi khi chưa nắm rõ bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” – ông Duy nhấn mạnh.

Liên quan đến chiến lược cụ thể tiếp cận với Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Đàm Bạch Dương cho biết, Bộ KH&CN là đầu mối đốc thúc các bộ ngành (theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với Việt Nam. Nhiệm vụ được giao cụ thể cho từng bộ theo chức năng riêng phải đưa ra sản phẩm chủ lực của mình cũng như chính sách ứng xử với cuộc cách mạng này). Bên cạnh đó, Bộ KH&CN còn nhiệm vụ cụ thể riêng, cụ thể:

- Đến cuối năm 2018, Bộ KH&CN phải báo cáo Chính phủ về hiện trạng công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng 4.0 để biết Việt Nam đang ở đâu và có cách tiếp cận phù hợp.

- Thứ hai là, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để phục vụ khối doanh nghiệp – khối rất quan trọng tham gia vào cuộc cách mạng 4.0.

- Thứ ba là thông qua các chương trình KH&CN trọng điểm hỗ trợ các nhà quản lý.

“Mới đây Bộ KH&CN đã tiếp nhận đề nghị của Vinatex hỗ trợ triển khai nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với toàn bộ Tập đoàn Dệt May, đặc biệt là các xu hướng công nghệ mới nhất để họ có thể tính toán và đưa ra quyết định con đường đi cho ngành” – ông Đàm Bạch Dương thông tin và nhấn mạnh với những nhiệm vụ cụ thể và phù hợp Bộ KH&CN sẽ nỗ lực hết sức để có đánh giá một cách khách quan, phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2018, ngành KH&CN tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). (2) Ưu tiên tăng cường hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với doanh nghiệp, phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia có tiềm năng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.

(3) Rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đăng ký doanh nghiệp KH&CN; triển khai các nhiệm vụ năng cao năng lực hấp thụ công nghệ tiến tới dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động nghiên cứu ứng dụng sang khu vực doanh nghiệp. (4) Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền sở hữu công nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ phát triển và khai thác tài sản trí tuệ.

(5) Hợp tác theo chiều sâu với các đối tác quốc tế

(6) Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc CMCN4.0.

(7) Tiếp tục triển khai chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống tổ chức KH&CN công lập. (8) Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN; đẩy mạnh truyền thông về KH&CN.

 

Bích Ngọc
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ