SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xâm phạm sở hữu trí tuệ: Tràn lan từ vỉa hè đến chợ online

[14/03/2018 10:23]

Hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vô tư chào bán trên khắp các mạng xã hội, bày bán nhan nhản trên khắp các tuyến phố, các chợ....

Các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan với giá "bình dân"

Tràn lan “hàng hiệu” giá bình dân

Tại Hà Nội, một chiếc túi xách nữ do hãng Louis Vuitton sản xuất có giá khoảng từ 1.500USD đến 3.000USD, quần Jean nhãn hiệu D&G khoảng 500USD đến 700USD..., với giá như vậy thì chỉ có những người có thu nhập hàng nghìn USD/tháng mới có thể sở hữu. Nhưng thực tế là hiện nay, các sản phẩm mang thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Lacos, Louis Vuitton... được bày bán tràn lan từ vỉa hè đến chợ cóc, rồi cả các siêu thị với giá bán "quá bèo" so với của sản phẩm chính hãng.

Tại một cửa hàng trên phố Phan Văn Trường (Hà Nội), khách hỏi giá một chiếc túi xách nữ hiệu Louis Vuitton, người bán hàng “quát” 800.000 đồng. Khách hàng chê đắt và sau một hồi mặc cả, giá cuối cùng là 350.000 đồng. Nhân viên bán hàng cho biết: “Đây là hàng xách tay từ nước ngoài về, hàng "Superfake" nên đảm bảo về chất lượng. Mặc dù hàng nhái nhưng đều là da xịn, có cho vào lửa đốt cũng không cháy được” (?)

 

Không chỉ bày bàn tràn lan ngoài đường, trên trang mua bán trực tuyến như Sendo.vn, các loại đồng hồ sang trọng, kính mắt, bút Montblanc, túi xách Hermes, giầy Nike, nếu là hàng thật có giá vài nghìn USD, nhưng được rao bán với lời quảng cáo hàng SuperFake, hàng Fake 1, Fake 2 với giá chỉ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng. Người mua có thể đặt hàng nhanh chóng và được giao hàng trong vòng vài chục phút là có sản phẩm ưng ý.

Theo một đầu nậu, việc hàng giả, hàng nhái tồn tại được là do đánh trúng vào tâm lý ham rẻ lại thích dùng "hàng hiệu" của người tiêu dùng. Phần lớn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, nếu thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam cần thứ gì chỉ cần mang mẫu sang 15 ngày sau là có, số lượng đặt càng nhiều càng rẻ và sản phẩm nếu nhìn thoáng thì không thể phân biệt đâu là hàng thật đâu là hàng nhái.

Nhiều người cho biết, mặc dù họ cũng biết việc mua các sản phẩm trên là “tiếp tay” cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái, nhưng họ các sản phẩm hàng thật, chính hãng thì giá cả quá cao, không thể mua nổi.

Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ “còn khó”

Việt Nam đang có khoảng hơn 20.000 trang web thương mại điện tử bán hàng và gần 900 trang web cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được cơ quan chức năng xét duyệt và cho phép hoạt động. Với số lượng đông đảo như vậy, cùng với ưu điểm nhanh chóng, tiện lợi, thương mại điện tử ngày càng được nhiều người tin tưởng sử dụng.

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN), từ sau khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan Nhà nước, vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường số còn khó khăn hơn nhiều so với trên môi trường thực. Với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử trên internet, rất khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập chứng cớ để xử lý vi phạm.

"Cơ quan chuyên trách xử lý pháp luật là tòa án ở Việt Nam chưa có chuyên trách về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Rất ít kiểm sát viên hay chánh án có chuyên môn sâu về sở hữu trí tuệ. Do đó, trong suốt thời gian qua, số vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ được đưa ra xử lý tại tòa hầu như không đáng kể", bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết.

Cũng theo bà Quỳnh, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên Internet sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 10, điều 11 của Thông tư 11/2015/TT-BKHCN. Theo quy định tại thông tư này, trang web là phương tiện kinh doanh và khi có hành vi quảng cáo hoặc bán hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử lý như các trường hợp vi phạm khác.

Theo Điều 130, Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền Internet của các doanh nghiệp, các nhãn hàng là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về tên miền. Trên thực tế, Thanh tra Bộ KH&CN cũng xử lý hàng chục các website cạnh tranh không lành mạnh về tên miền, các doanh nghiệp bị vi phạm cảm thấy hài lòng với các yêu cầu xử lý vi phạm và kết quả xử lý sau đó.

Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, để tăng cường bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên toàn ngành công nghiệp ở Việt Nam đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng.

Một trong những biện pháp Bộ KH&CN sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới là tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ... Qua đó, giúp doanh nghiệp nâng cao hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ để tránh vi phạm.

Theo thống kê, số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tăng từ 7 - 15% mỗi năm. Mặc dù đã cải thiện, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế bởi số lượng doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép đăng ký kinh doanh thường dao động ở mức 500.000 - 600.000 hàng năm.

Nhưng số văn bằng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp ra từ 2005 đến nay chưa đến 300.000 văn bằng, trong đó chưa kể đến nhiều doanh nghiệp lĩnh vực dược có đến 100-200 nhãn hiệu. Điều này cho thấy có nhiều doanh nghiệp có nhãn hiệu nhưng chưa đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

www.vietq.vn (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ