SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khai thác chỉ dẫn địa lý: Vẫn còn khoảng trống

[09/04/2018 08:43]

50% chỉ dẫn địa lý (CDĐL) của nông sản VN chưa được quản lý, khai thác là đánh giá của TS Delphine Marie - Vivien - chuyên gia CDĐL của Pháp - tại hội thảo "Vai trò, tác dụng của CDĐL trong phát triển kinh tế địa phương” tổ chức mới đây.

Theo thống kê, cơ cấu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, có khoảng 50% sản phẩm là trái cây.

Gia tăng giá trị cho hàng hóa

CDĐL là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hóa. Chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hóa là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, có khoảng 50% sản phẩm là trái cây, 20% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp như: quế, hoa hồi, chè... Còn lại là các sản phẩm thủy sản, gạo và một số thực phẩm khác. Bên cạnh việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Việt Nam còn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể để đăng ký cho các đặc sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm chưa đủ điều kiện để xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Một trong những giá trị, kết quả tích cực nhất là sau khi sản phẩm được bảo hộ, giá bán của các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng. Điều này thể hiện ở chỗ mỗi một chỉ dẫn địa lý sau khi được nhà nước bảo hộ, về cơ bản, các địa phương sẽ tổ chức quản lý trên cơ sở các chính sách và quy định theo từng sản phẩm, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng và các quy định liên quan đến bao bì, nhãn mác, sử dụng.

CDĐL đã tác động đến giá trị của sản phẩm, giá bán của các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng, đặc biệt là một số sản phẩm như: Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), cam Cao Phong (Hòa Bình), mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang)...

Các thống kê và báo cáo của các hiệp hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thấy giá bán sản phẩm tăng từ 20-100%, điển hình như: Cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%, Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%...

Nhưng chưa biết tận dụng

Nhiều năm tìm hiểu về chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam, TS Delphine Marie Vivien (Pháp) đưa ra thống kê giật mình là hiện có đến 50% chỉ dẫn địa lý của nông sản Việt Nam không có người quản lý, khai thác. Như chỉ dẫn địa lý quế Hưng Yên được nhà nước ủy quyền, giao cho hiệp hội ngành quế địa phương quản lý nhưng hiệp hội này chỉ họp đúng một lần vào ngày thành lập từ năm 2011 đến nay. Hay trà Mộc Châu có hiệp hội quản lý nhưng không khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý do cả 10 thành viên đều là nhà chế biến, không có nông dân tham gia.

"Ở Pháp, hiệp hội ngành nghề là chủ sở hữu các chỉ dẫn địa lý trong khi Việt Nam, nhà nước mới là chủ sở hữu. Nhiều trường hợp nhà sản xuất tại địa phương Việt Nam được bảo hộ nhưng không sử dụng logo chỉ dẫn địa lý do không biết mình có quyền. Nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột là một dẫn chứng thú vị khi hiệp hội đứng ra quản lý có đầy đủ thành phần từ nhà nước, nhà rang xay, nông dân trồng cà phê nhưng lại nổi tiếng nhờ vụ kiện lấy lại thương hiệu từ Trung Quốc, còn thực tế rất ít DN sử dụng logo chỉ dẫn địa lý này cho sản phẩm của mình. Việt Nam nên để các hiệp hội ngành nghề tham gia ngay từ đầu khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vì họ hiểu sâu sắc sản phẩm, quy trình sản xuất và sẽ bảo vệ tài sản vô hình này về sau" - bà Delphine Marie Vivien khuyến nghị.

Khai thác chỉ dẫn địa lý: Vẫn còn khoảng trống - ảnh 2

Thiếu sự gắn kết giữa chủ sở hữu CDĐL với địa phương khiến cho nhiều sản vật không thể khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Theo PGS-TS Phạm Xuân Đà, Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ, CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Do đó, sản phẩm được bảo hộ CDĐL là lợi thế của Việt Nam trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu vì những sản phẩm này không nơi nào có.

Tính đến tháng 3/2018, Việt Nam đã bảo hộ 66 CDĐL, trong đó 60 chỉ dẫn của Việt Nam, còn lại là của nước ngoài. CDĐL của Việt Nam được cho là khá khiêm tốn về số lượng và chưa có đánh giá đầy đủ về hiệu quả của 60 chỉ dẫn đã được cấp.

"Kinh nghiệm từ các nước đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm từ CDĐL, đăng ký bảo hộ tốn 1 đồng thì chi phí để phát triển, thương mại hóa lên đến 1.000 đồng. Tại Hungary có một loại rượu nổi tiếng là vang Tokeji, họ không cần bán nhiều, bán ít nhưng giá rất cao. Để làm được như vậy, Hiệp hội Rượu vang Tokeji quản lý từng gốc nho của nhà vườn hội viên để nắm sản lượng và cấp tem chỉ dẫn địa lý cho từng chai rượu.

Trong khi tại Việt Nam, chủ sở hữu CDĐL là nhà nước. Nếu các tỉnh đăng ký CDĐL xong, giao cho địa phương và để đó, không đầu tư khai thác thì CDĐL gần như không có giá trị, rất lãng phí" - ông Đà cảnh báo.

www.vietq.vn (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài