SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kêu gọi nhà khoa học vào cuộc để phát triển dược liệu ở phía Bắc

[14/05/2018 10:47]

Sống trên vùng dược liệu quý, nhưng các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa tận dụng được thế mạnh này để phát triển kinh tế.

Cây thông đất Alzheimer có thể điều trị bệnh Alzheimer (thoái hóa não bộ, gây sa sút trí tuệ, mất trí nhớ ở người già) được phát hiện ở Hà Giang. Ảnh: Loan Lê.

Tại hội nghị giao ban khoa học và công nghệ các tỉnh miền núi phía Bắc (tổ chức ngày 10-11/5 tại Lào Cai), nhiều địa phương kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có định hướng trọng tâm để phát triển dược liệu.

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên, cho biết không riêng gì Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên cũng có dược liệu như hà thủ ô đỏ, đinh lăng, nghệ... nhưng trồng còn manh mún. Mỗi nơi chỉ vài hecta. Để phát triển ngành này, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần có dự án quy hoạch phát triển vùng dược liệu ở phía Bắc.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đề xuất đẩy mạnh phát triển dược liệu để phát huy thế mạnh vùng trung du miền núi phía Bắc. “Mong Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét nghiên cứu lựa chọn trọng tâm chỉ đạo để đẩy mạnh phát triển dược liệu”, ông Tiến nói.

Theo kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2016 cả nước ghi nhận 5.117 loài và dưới loài thực vật. Trong số này có nhiều loài dược liệu bản địa, nhập nội quý cả về công dụng chữa bệnh và giá trị kinh tế đã được trồng phổ biến. Các loài này tập trung tại vùng Tây Bắc như: Lai Châu (450 loài), Điện Biên (562), Sơn La (535).

Hiện nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính 60.000-80.000 tấn một năm. Tuy nhiên, sản lượng từ nuôi trồng và khai thác dược liệu ở Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 30%, số còn lại được nhập khẩu từ Trung Quốc. Diện tích, năng suất và sản lượng cây dược liệu được sản xuất ở Việt Nam còn thấp. Đến nay, có hơn 500 loài cây thuốc đã được trồng, nhưng chỉ có 50 loài được trồng phổ biến có quy mô trên 10 hecta.

Các bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt nhiều đề tài nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng để nâng cao kỹ thuật trồng trọt, phát triển, thuần hóa các giống cây dược liệu bản địa. Nhiều nghiên cứu sản xuất chế phẩm thuốc từ dược liệu, xây dựng quy trình, tiêu chuẩn... cũng được triển khai.

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, giai đoạn 2016-2018, khoa học đã tham gia đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế xã hội của từng tỉnh nói riêng và cả vùng nói chung. Với việc phát triển cây dược liệu - thế mạnh của vùng, hiện quy mô sản xuất còn manh mún, mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, chưa tạo được sự liên kết giữa các địa phương.

Ông Tùng kêu gọi các nhà khoa học vào cuộc, cùng tính bài toán kinh tế. “Nếu tính được thì sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp tìm đến. Lúc đó khoa học và công nghệ sẽ đi cùng, thể hiện rõ nét hơn để phát triển các sản phẩm liên quan trên địa bàn”, ông Tùng nói.

www.vnexpress.net(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ