SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Năng lực cán bộ được nâng cao trong nông thôn mới

[22/05/2018 14:23]

Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới (NTM) đã bước qua giai đoạn đầu tiên với nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi triển khai.

Phó Bí thư Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội - Ảnh: VGP/Đỗ Hương.

Bên cạnh những khởi sắc về diện mạo mới của những vùng quê, nhiều cán bộ địa phương đã có những tư duy, nhận thức mới khi triển khai chương trình này.

Tích lũy kinh nghiệm, rõ hướng triển khai

Trong năm 2017, TP. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các huyện trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, để thực sự giảm nợ đọng, việc xây dựng cơ bản cần có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ địa phương.

Anh Tạ Thành Nam, chuyên viên Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Mê Linh (Hà Nội) là người trực tiếp theo dõi và tham mưu thực hiện công tác xây dựng cơ bản tại địa phương. Qua quá trình thực kiện công tác kế hoạch xây dựng tại địa phương, anh Nam cho rằng, để không phát sinh nợ xây dựng cơ bản mới, rất cần có kế hoạch trong đầu tư công, xác định nguồn vốn rõ ràng, chỉ khởi công công trình khi có vốn. Và điều quan trọng nhất, theo anh Nam là cần tăng cường kiểm tra việc triển khai các dự án tại cơ sở.

Tại Mê Linh, trong trường hợp những dự án đã bố trí vốn nhưng triển khai chậm, huyện đã điều chuyển vốn sang các công trình khác để đẩy nhanh tiến độ nhằm tăng hiệu quả đầu tư và không nợ đọng xây dựng cơ bản. Những kiến thức này, anh Nam đã thu nhận được qua thực tế và sáng rõ hơn sau những đợt tập huấn cho cán bộ thực hiện chương trình NTM.

Không chỉ anh Nam, nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các tỉnh, thành phố toàn quốc đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác này ở các cấp, nhất là cán bộ cấp xã, thôn, bản nội dung 14 chuyên đề do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Các lớp tập huấn không chỉ cung cấp các kiến thức cơ bản về cơ chế, chính sách, quy trình triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 mà còn trang bị thêm cho cán bộ xây dựng nông thôn mới ở cơ sở những kỹ năng về xây dựng, lập kế hoạch; kỹ năng tuyên truyền, vận động cộng đồng và người dân...

Các bộ, ngành liên quan cũng tổ chức tập huấn cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt trong ngành tham gia xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương. Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương đã phối hợp với các tỉnh Bắc Giang, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hòa Bình, Hưng Yên và các đơn vị có liên quan tổ chức được năm lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 500 cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) của hơn 50 tỉnh, thành trong cả nước.

Năng lực cán bộ là thước đo hiệu quả

Năm 2018, các tỉnh coi trọng đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã (theo Luật Hợp tác xã năm 2012); thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững.

Năng lực cán bộ được xem là thước đo chất lượng và tiến độ công việc mà người đó phụ trách. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, rất cần những người tài giỏi, nhạy bén, năng động, hiểu biết rõ chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới để thực hiện công việc cũng như là những tuyên truyền viên giỏi, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng mạnh mẽ hơn

Nâng cao năng lực cho cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp đang được tập huấn, tập trung chủ yếu vào các nội dung: Hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách mới; giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, cũng như trang bị cho cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp kỹ năng về: xây dựng, lập kế hoạch; tuyên truyền, vận động...).

Cùng với đó, nâng cao năng lực cho cán bộ trong trường trình NTM sẽ được xác định bằng hình thức gắn tập huấn với tham quan thực tế các điểm sáng về xây dựng nông thôn mới; mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả; tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, các cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện Chương trình. Đặc biệt, một số địa phương như Đắk Nông đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nông thôn mới cho linh mục, giáo xứ…

Ở cấp Trung ương, các bộ, ngành đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt trong ngành (cấp tỉnh, huyện), trong đó, riêng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã phối hợp với các tỉnh (Bắc Giang, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hòa Bình, Hưng Yên) và các đơn vị có liên quan tổ chức được 5 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 500 cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) của hơn 50 tỉnh, thành phố…

www.chinhphu.vn (ntmoanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ