SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Rủi ro từ điện hạt nhân Trung Quốc đến Việt Nam như thế nào?

[25/05/2018 10:00]

Nếu có sự cố từ điện hạt nhân Trung Quốc thì phóng xạ phát tán ở mức thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, nhà máy đang hoạt động (màu xanh lá cây), đang xây dựng (xanh lam) và trong kế hoạch (đỏ). Nguồn: world-nuclear.org.

Hà Nội vừa phê duyệt Đề án "Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội". Trong số 10 rủi ro được nêu, rò rỉ phóng xạ nếu có sự cố từ ba nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam được thành phố lưu ý.

Phản hồi về thông tin này, tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, xác suất rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến Việt Nam là quá nhỏ so với các hiểm hoạ khác.

Sau sự cố Fukushima tại Nhật Bản, các quốc gia đều rất chú trọng đến công nghệ và an toàn điện hạt nhân. Trung Quốc cũng vậy, họ bỏ ra khoản tiền lớn để nâng cấp, đảm bảo an toàn và hoàn toàn kiểm soát được khi có sự cố xảy ra. "Trong tình huống xấu nhất thì phóng xạ sẽ phát tán ở mức thấp và không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người", tiến sĩ Thành nói.

Ông Thành cho biết thêm, không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác đang rất chú trọng đến phát triển điện hạt nhân, coi đó là chiến lược tương lai. Ngay cả Nhật Bản, đất nước từng gặp sự cố lớn đã quay lại vận hành điện hạt nhân với 9 tổ máy.

Ba nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam) khi mới đưa vào vận hành từng được báo giới quan tâm trong cuộc họp báo của Bộ Khoa học và Công nghệ vào tháng 10/2016.

Khi đó, nguyên Cục trưởng An toàn Bức xạ và Hạt nhân cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện việc ký kết hợp tác từ năm 2012 nhằm chia sẻ thông tin. Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế như Công ước thông báo sớm, nghĩa là bất kỳ sự cố hạt nhân nào đều được mạng lưới quốc tế thông báo.

Việt Nam cũng tham gia Công ước về an toàn hạt nhân. Hằng năm các nước phải báo cáo về tình hình phát triển điện hạt nhân của họ. Ngoài ra việc giám sát các thông số môi trường cũng được triển khai thông qua hệ thống mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường và hai trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân.

Việt Nam đang xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 7 trạm đi vào hoạt động ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội và hai điểm khác ở miền Trung. Các điểm quan trắc này sẽ giúp Việt Nam nhận biết, cảnh báo sớm phóng xạ để đưa ra các biện pháp ứng phó.

www.vnexpress.net(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ