SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc sản Việt 'dè chừng' chính sách bảo hộ nông sản của người Thái

[01/06/2018 07:37]

Mặc dù, người tiêu dùng tại thị trường Thái Lan bày tỏ yêu thích với những thực phẩm hữu cơ của Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp Việt lo ngại về chính sách bảo vệ nông sản của nước này.

Khách nước ngoài dùng thử một sản phẩm thực phẩm của Việt Nam tại Thafex.

Những ngày diễn ra Thafex, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những cuộc tiếp xúc, làm việc với hàng chục khách hàng, nhà phân phối ngay tại hội chợ. Đại diện một đơn vị chuyên sản xuất thực phẩm sạch cho biết, đã tiếp xúc được 25 khách hàng doanh nghiệp. Họ đều là những khách hàng quan tâm đến sản phẩm của đơn vị.

Tuy nhiên, theo đại diện này, điều bất lợi là Thái Lan bảo trợ cho sản phẩm nông nghiệp rất chặt chẽ, hải quan kiểm soát rất gắt gao với nông sản Việt Nam. “Họ có luật bảo vệ nông dân và nông sản họ đến cùng”- vị này nói.

Do đó, nếu thực hiện tất cả các thủ tục như là kiểm dịch, thì chi phí mang hàng sang Thái Lan sẽ rất cao… Đó là thực tế mà các doanh nghiệp Việt cần chú ý.

Bà Đặng Thị Diễm Thúy, đại diện Vinamit cho biết, đơn vị mang đến những sản phẩm mới như gạo organic, xoài organic, chuối organic… đây là những sản phẩm mới mà công ty vừa mới phát triển. Ngoài ra, một sản phẩm đặc biệt là sữa chua sấy, với tổng cộng 16 vị nhưng công ty chỉ mang sang đây 6 vị đặc trưng nhất ở Việt Nam để giới thiệu đến khách của Thái Lan.

“Còn lại những sản phẩm truyền thống của mình trước đây như mít sấy, mít khô hay các sản phẩm sấy dẻo, trong đó xoài sấy dẻo là mặt hàng phổ biến ở Việt Nam nhưng mình biết qua Thái Lan rất là khó cạnh tranh với doanh nghiệp Thái”- bà Thúy nói.

Có thể nói, tại Thaifex, các sản phẩm thu hút nhất trong 'làng' hữu cơ là gạo, dừa và trái cây sấy. Gạo trưng bày trên những chiếc thuyền thúng khổng lồ đường kính 1,5m. Nhiều khách hàng đến hỏi về từng loại gạo hữu cơ của Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ.

Đặc sản Việt 'dè chừng' chính sách bảo hộ nông sản của người Thái - 2

Hoạt động kết nối doanh nghiệp tổ chức trong khuôn khổ Thafex.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, trong nội dung của Ngôi nhà chung lần này, những sản phẩm đặc sắc nhất của nông sản Việt Nam là những sản phẩm hữu cơ.

“Từ sáng tới giờ các doanh nghiệp phải rất tất bật tiếp khách đến tìm hiểu về gạo hữu cơ, trái cây hữu cơ...", bà Hạnh cũng cho biết, "Các sản phẩm giới thiệu các nét đặc sắc của Việt Nam và mỗi sản phẩm đều đem đến những sự gia tăng khác biệt".

“Chỉ mới tham gia một ngày của Thaifex nhưng đoàn Việt Nam nhận được nhiều sự lạc quan. Một phần do chúng ta ở trong khu vực thực phẩm cao cấp, một phần nữa là do các chương trình của đoàn Việt Nam phong phú nên các đối tác cũng đến tìm hiểu nhiều”, bà Vũ Kim Hạnh nói.

Khá nhiều khách hàng ngạc nhiên về sản phẩm gạo hữu cơ của Việt Nam, với những thương hiệu mạnh như thế. Họ ngạc nhiên bởi chúng ta làm tốt hơn những gì họ đã nghĩ về mình và những sản phẩm an toàn của chúng ta cũng thực sự rất tốt.

"Điều đó cho thấy triển vọng và tiềm năng của những sản phẩm của Việt Nam là rất tốt và thực sự có lực. Nhưng, lực này của chúng ta cần có sự kết nối lại, cần có sự đầu tư để đẩy cả chuỗi giá trị được nâng lên.

Tôi nghĩ đây là những ví dụ cho thấy chúng ta có những khởi đầu chính minh rằng ta có thực lực, nhưng chúng ta phải nâng cao lên theo phương pháp khoa học, trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay”- bà Hạnh nói.

Thaifex 2018 tổ chức từ 29/05 đến 02/06, do Công ty tổ chức sự kiện Koelnmesse, Cục xúc tiến thương mại quốc tế (DITP) và Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) phối hợp tổ chức, dự kiến có khoảng 60.000 lượt khách trên toàn thế giới tham dự, tăng 10% so với năm 2017. Sự kiện thu hút hơn 2.500 công ty trưng bày đến từ 40 quốc gia khu vực và thế giới.

Điểm mới của sự kiện năm nay có doanh nghiệp Argentina tham dự với tư cách là quốc gia đối tác chính thức. ThaiFex được xem là một diễn đàn giá trị, có khả năng kết nối khách tham quan và các đơn vị tham gia trưng bày, qua đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh để hoạt động bền vững và hiệu quả trên thị trường toàn cầu.

www.khampha.vn (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ