SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khởi động Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu

[26/06/2018 08:27]

Ngày 24/6, Phiên họp hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 54 đã khai mạc. Đây là hoạt động chính thức mở đầu cho chuỗi hoạt động của Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) diễn ra tại TP. Đà Nẵng từ ngày 23 - 29/6/2018.

Phiên họp được tổ chức nhằm xem xét chính sách đồng tài trợ được cập nhật; tăng cường sự hợp tác của các thành viên quỹ môi trường toàn cầu; quy tắc cho Hệ thống phân bổ tài nguyên minh bạch cho chu kỳ 7 hay còn gọi là chu kỳ từ năm 2018-2022. Cuộc họp cũng thảo luận các kế hoạch và ngân sách trong năm 2019 của hội đồng; chương trình làm việc; các thỏa thuận tài trợ nhỏ và các thỏa thuận thực hiện Chương trình hỗ trợ quốc gia cho hội đồng quỹ môi trường toàn cầu giai đoạn 2018-2022.

Ngoài các phiên họp toàn thể sẽ có các cuộc thảo luận bàn tròn về: lương thực, khôi phục và sử dụng đất; các thành phố bền vững; kinh tế xanh lam; hợp tác để thực hiện Chương trình nghị sự 2030; các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học; kinh tế tuần hoàn; rác thải nhựa đại dương...

Kỳ họp lần thứ sáu Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tại Đà Nẵng sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày 27-28/6/2018, dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều chính khách, các nhà lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính đa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu thế giới, các nhà khoa học, lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ…. Đây là một trong những cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường trong năm 2018.

Theo bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường toàn cầu, kỳ họp lần này là “cơ hội để thế giới chung tay kiến tạo nên một hành tinh an toàn hơn, đảm bảo hơn và đáng sống hơn”. Bà Naoko Ishii cũng nhấn mạnh: “Kịch bản phát triển thông thường sẽ tạo ra thảm hoạ và thay đổi mang tính gia tăng sẽ không bao giờ đủ. Giải pháp duy nhất chính là quá trình chuyển đổi. Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống lương thực, đô thị, năng lượng và chuyển đổi thành nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ, và đó chính là những gì GEF mong muốn thực hiện được trong tương lai”.

Được tổ chức bốn năm một lần, Đại hội đồng GEF hội tụ Bộ trưởng môi trường và các quan chức cấp cao đến từ 183 quốc gia thành viên; cùng với các cơ quan Liên hợp quốc, các quốc gia phát triển khu vực; các tổ chức xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết để bảo vệ môi trường toàn cầu.

Bên cạnh Phiên họp hội đồng GEF lần thứ 54 (diễn ra trong 3 ngày từ 24-26/6), trong khuôn khổ GEF 2018 còn diễn ra nhiều hoạt động quan trọng như cuộc họp của Hội đồng Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF)/ Quỹ Uỷ thác cho các nước kém phát triển (LCDF) lần thứ 24 và Diễn đàn xã hội dân sự.

Ngoài ra, chương trình tham quan các Dự án GEF 6 ở TP. Đà Nẵng sẽ diễn ra vào ngày 29/6/2018.

www.khampha.vn (ntmoanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ