SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nông dân Ninh Bình làm giàu thành công từ nghề nuôi ong

[24/07/2018 09:15]

Những người làm nghề nuôi ong lấy mật tại các cánh rừng ngập mặn đất Kim Sơn đã có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

Hàng năm, cứ vào mùa hoa sú vẹt bung nở là những người đi khai thác mật của biển ở khắp mọi nơi thuê xe đưa những đàn ong của mình về vùng ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) để khai thác phấn hoa sú vẹt.

Những cánh rừng sú, vẹt ven biển của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) không chỉ tạo cảnh quan đẹp, bảo vệ môi trường mà còn giúp làm ra những giọt mật ong vàng óng đậm đà hương biển. Chỉ việc cho những đàn ong của mình đi kiếm phấn hoa sú, vẹt làm mật ngọt, những người làm nghề nuôi ong lấy mật tại các cánh rừng ngập mặn đất Kim Sơn đã có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

Mùa hoa sú vẹt nở cũng là lúc thợ nuôi ong các nơi đổ về các xã ven biển của huyện Kim Sơn ngày một nhiều. Họ tới và mang theo có đến cả ngàn thùng ong và xếp ngay ngắn bên những cánh rừng ngập mặn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện giá mật ong làm từ phấn hoa sú, vẹt đang được bán ra thị trường với giá khoảng trên 100.000 đồng/kg và cũng nhờ nghề đi thu vị ngọt của biển này mà nhiều hộ nuôi ong có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ. 

Theo những người chuyên đi khai thác mật của biển cho biết, nếu như trước đây khi nhắc đến biển người ta thường nghĩ tới vị mặn chát của muối hay vị tanh của bọt biển, nhưng ít ai biết rằng giữa cái mặn chát của biển cả vẫn có vị ngọt thanh thơm lừng rất đặc trưng, không lẫn vào đâu được của loại mật ong được ủ từ phấn hoa sú, vẹt.

Ở huyện Kim Sơn có diện tích rừng ngập mặn sú vẹt lên tới 12.000 ha. Với diện tích sú vẹt rộng lớn như vậy, nơi đây chính là điểm đến khai thác mật ong của nhiều người nuôi ong. Cây sú vẹt là một loại cây mọc ở ven biển, đặc tính sống là nửa nước và nửa cạn và sống trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt với độ mặn cao, nhưng hàng năm vẫn ra hoa từ tháng 5 cho đến tháng 7. Loài hoa trắng muốt tựa như hoa dạ lan này lại có sức quyến rũ đặc biệt với ong mật.

Hàng ngàn đàn ong từ khắp mọi nơi được các chủ trại ong đưa về vùng ven biển của huyện Kim Sơn để khai thác mật của biển.

Là một trong những thợ ong thường xuyên đặt khai thác mật ong hoa sú vẹt ở huyện Kim Sơn, trung bình mỗi vụ anh Nguyễn Hùng Ái (43 tuổi), quê Ninh Bình có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng từ nghề độc đáo này. Anh Ái cho biết, vì huyện Kim Sơn có diện tích rừng ngập mặn lớn nên năm nào anh cũng đưa 500 đàn ong của mình đến lấy mật. 

Anh Nguyễn Văn Ái hiện đang đi kiểm tra các thùng ong trước khi đưa các cầu ong đi quay lấy mật.

Cũng theo anh Ái, cũng như mọi năm, năm nay hoa sú vẹt nở nhiều và được mùa nên đàn ong của anh kiếm được lượng mật tương đối ổn định. Ước tính vụ này anh tạm thu được khoảng hơn 4 tấn mật, tính ra cũng có thu nhập hơn 300 triệu. “Không giống như các loại mật khác, mật ong sú vẹt có vị ngọt chua thanh đặc trưng và có giá trị hơn hẳn những loài hoa khác nên được thị trường ưu chuộng”, anh Ái chia sẻ. 

Cận cảnh một cầu ong đầy ắp mật của biển và chuẩn bị được cho đi quay lấy mật.

Anh Trần Văn Sang một thợ nuôi ong lấy mật từ biển quê ở Thái Nguyên cho biết, hoa sú vẹt nở tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên ngoài đặc điểm sạch tự nhiên, mật ong hoa sú vẹt còn được dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh nên được thị trường rất ưa chuộng và được bán với giá khá cao. 

Cũng theo anh Sang, sau khi hút mật từ hoa, ong sẽ nhả mật trong cầu ong rồi đắp kín miệng. Đợi khi cầu ong đầy ắp mật, thợ sẽ bỏ cầu vào thùng vắt mật. Để tránh bị đốt khi lấy mật, thợ phải trang bị kín mặt mũi, chân tay. Sau đó hun khói vào từng cầu để ong di chuyển sang cầu khác.

"Do mật ong được khai thác từ tự tự nhiên nên mật rất sạch và thơm nên mật làm ra dễ bán. Riêng việc bảo quản mật cũng khá đơn giản chỉ cần tránh ánh sáng trực tiếp là được, do là mật nguyên chất nên để và sử dụng được rất lâu" anh Sang chia sẻ.

Nhờ đi kiếm mật của biển mà nhiều chủ trại ong có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.

Nhờ đi kiếm mật của biển mà nhiều chủ trại ong có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.

 

http://khoinghiep.org.vn (ntmoanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ