SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hệ thống nước xử lý nước thải 'tàng hình' trong những công trình xanh

[28/08/2018 09:37]

Ngay dưới chân những em nhỏ đang chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo, hay sau lưng những anh bảo vệ cần mẫn tại tầng hầm tòa nhà cao ốc là cả một hệ thống xử lý nước thải đồ sộ mà không nói thì không ai biết.

Bể xử lý nước thải nằm ngay dưới sân bóng đá của các em nhỏ tại trường mầm non Vạn An, Q. Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Xử lý nước thải ngay trong tòa nhà

Người ta thường nói, những công trình xử lý chất thải thường phải đặt cách xa nơi sinh hoạt của con người vì sự ô nhiễm, mùi hôi khó chịu. Nhưng những dẫn chứng phía trên lại hoàn toàn ngược lại. Hệ thống xử lý nước thải có thể nằm 'tàng hình' bên cạnh con người.

Đó là công nghệ độc đáo mà một nhóm bạn trẻ yêu môi trường tại TP.HCM đang thực hiện.

Trường mầm non Vạn An (Quận Gò Vấp, TP.HCM) mới được thành lập vào tháng 7/2017. Hiện nay trường có khoảng 100 học sinh mầm non. Mỗi ngày, trường này thải ra khoảng 15 mét khối nước thải sinh hoạt.

Khoảng sân bóng khá rộng bên hông trường là nơi vui chơi của các em học sinh. Bên ngoài sân bóng được bố trí những chiếc ghế trượt hay xích đu. Khi chúng tôi hỏi, vậy hệ thống xử lý nước thải nằm ở đâu trong tòa nhà?

Anh Đỗ Ngọc Tuấn, phụ trách kỹ thuật, trường mầm non Vạn An chỉ tay “nó nằm ngay dưới lòng sân bóng này”.

Khi những chiếc nắp cống được gỡ lên, chúng tôi mới biết là ngay dưới nền cỏ sân bóng là một bể xử lý nước thải khổng lồ với thể tích khoảng 25 mét khối. Bể xử lý nước thải có thể hoạt động liên tục 24/24 giờ với một hệ thống máy bơm nước thải và hệ thống sục khí.

Anh Tuấn nói, hệ thống xử lý nước thải này vận hành liên tục hơn 1 năm nay nhưng chưa xảy ra sự cố nào. Hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động nên người quản lý cũng không phải vận hành nhiều. Nguồn nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Các em nhỏ đến vui chơi tại đây gần như không biết rằng, dưới chân mình là một hệ thống xử lý nước thải”- ông Tuấn nói.

Tòa nhà của Viện gút TP.HCM (đường Hồng Hà, Q. Tân Bình) gồm 8 tầng. Theo ông, Trương Ánh Dương, trưởng phòng hành chính Viện gút, mỗi ngày tòa nhà có thể thải ra 6 mét khối nước thải sinh hoạt.

Ngay tại tầng hầm của tòa nhà, những người bảo vệ vẫn làm công việc như thường ngày là ghi thẻ gửi xe. Nhưng ngay sau lưng họ là bể chứa (thiếu khí) và đường ống của hệ thống xử lý nước thải nằm ẩn trong vách tường. Phía ngoài có một chiếc cửa để mở và người phụ trách có thể chui vào để kiểm tra hệ thống.

“Lúc đầu, chúng tôi không hề biết rằng, sau lưng mình là cả một hệ thống xử lý nước thải đồ sộ như vậy. Nhưng đến khi người phụ trách kỹ thuật đến kiểm tra, chúng tôi mới biết mình ở cạnh khu vực chứa chất thải của cả tòa nhà”- ông Nguyễn Hữu Đức, nhân viên bảo vệ chia sẻ.

Th.s Ngô Quang Hiếu cầm trên tay ly nước thải ra môi trường sau khi qua xử lý tại Viện gút TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Dùng vi sinh vật để làm sạch nước

Tác giả của những công trình xanh 'đi ngầm' trong những công trình trên là một nhóm bạn trẻ yêu môi trường tại TP.HCM.

Người điều hành các dự án này là Th.s Ngô Quang Hiếu, hiện là nghiên cứu sinh của Viện môi trường, ĐH Quốc gia TP.HCM. Hiếu chia sẻ, đây là công nghệ sử dụng các vi sinh vật để xử lý nước thải. Nói một cách nôm na, những chất dinh dưỡng chứa trong nước thải sinh hoạt là nguồn thức ăn của vi sinh vật. Và vi sinh vật có nhiệm vụ xử lý nước thải thành nước sạch để bảo vệ môi trường.

Theo đó, trong bể xử lý nước thải sẽ có các giá thể được cung cấp và di chuyển lơ lửng trong nước. Giá thể có nhiệm vụ tăng diện tích bề mặt tiếp xúc giữa vi sinh vật và các hợp chất hữu cơ có trong nước.

“Giá thể có thể tồn tại trong môi trường nước từ 3 đến 5 năm. Sau thời gian này có thể bổ sung thêm 20% giá thể ban đầu để đảm bảo hệ thống hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật”- Hiếu chia sẻ.

Trần Thanh Tùng, phụ trách kỹ thuật dự án cho biết, bể xử lý nước thải thường được làm bằng bê tông hoặc vật liệu composite. Với những công trình điều kiện khác nhau thì sử dụng vật liệu phù hợp.

Cụ thể, những công trình nằm trên địa thế thường xuyên có sự thay đổi về địa hình, địa chất và các vấn đề phát sinh khác trong tự nhiên thường sẽ sử dụng công nghệ compostie. Vì bể xử lý nước thải vật liệu này có thể di động sang vị trí mới.

Hiện nay, nhóm bạn trẻ này đã lắp đặt khoảng 6 hệ thống xử lý nước thải tại TP.HCM và một số công trình tại Đà Nẵng.

“Với những công trình nhỏ hơn, lượng nước thải ít hơn (từ khoảng 1 đến 2 mét khối nước thải/ngày), chúng tôi cũng có thể tư vấn lắp đặt hệ thống”- Tùng nói.

Vì được tích hợp vào công trình hiện hữu và nằm ẩn giấu trong tòa nhà nên chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải này có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, hệ thống xử lý tại trường mầm non Vạn An có giá hơn 200 triệu đồng, tại tòa nhà Viện gút có giá trên dưới 300 triệu đồng.

“Tuy nhiên, công nghệ mới này có thể giảm 30% chi phí đầu tư, 40% chi phí vận hành so với công nghệ truyền thống là sử dụng bể tự hoại. Mặt khác, chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn tốt hơn”- Ngô Quang Hiếu cho biết.

Bà Stephanie Gay - Torrente, Tổng giám đốc Pollutec (triển lãm quốc tế về các giải pháp môi trường) cho biết, tại nhiều thành phố của Pháp, các công trình xử lý rác hay chất thải có thể nằm trong tòa nhà, trung tâm thương mại. Người dân cũng không hề biết họ đang ở cạnh những khu vực xử lý rác thải.

Thậm chí, các chuyên gia môi trường của Pháp đã phát triển các giải pháp công nghệ để tái sử dụng chất thải sau khi xử lý xong. Đó là mô hình kinh tế tuần hoàn mà nhiều quốc gia tiên tiến đang phát triển.

“Nhiều người cho rằng chất thải trong quá trình sản xuất là “cục nợ”, là tác hại mà họ không mong mong muốn. Tuy nhiên, ở Pháp chúng tôi luôn xem chất thải mà một cơ hội, tiềm năng để phát triển kinh tế”- bà Stephanie nói.

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ