SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ban Mê mở vườn khởi nghiệp

[07/09/2018 14:25]

Ngày 15.9 tới là hạn đóng đơn đăng ký tham gia cuộc thi khởi nghiệp quy mô lớn nhất miền Tây Nguyên - Đắk Lắk Startup 2018 - với giải thưởng lên tới 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì họp cổ đông công ty Vườn ươm Doanh nghiệp Đắk Lắk. Ảnh: Đỗ Quốc Phong

Nghe như là một phong trào lớn, nhưng đến tận nơi, nghe cụ thể những câu chuyện của họ, thì biết rằng dù đường còn xa, nhưng những hạt giống đã được gieo xuống trên nền đất bazan trù phú này…

Một chị bạn, là doanh nhân ở Ban Mê Thuột gửi thư, với cái tiêu đề rất lạ “Đắk Lắk mới?”. Hóa ra, chị rủ lên núi dự buổi phát động cuộc thi khởi nghiệp Đắk Lắk. Thực sự là có chút… lười, vì giờ đi đâu cũng có chừng đó câu chuyện, nhưng cái tiêu đề email lại làm tò mò hỏi lại: có gì mà mới? À, hóa ra, Đắk Lắk có một ông phó chủ tịch thường trực mới tròn 40 tuổi vô cùng máu lửa với chuyện phát triển kinh tế, mà khởi nghiệp là một trọng tâm mà ông đang muốn theo đuổi. Lại có một trường đại học vùng Tây Nguyên với hơn 12.000 sinh viên sở hữu một ông hiệu trưởng mới có 38 tuổi. Hai ông này quyết tâm dùng tuổi trẻ của mình để “đẩy khởi nghiệp”. Vậy thì đi, xem “mới” tới đâu…

Đến Đắk Lắk vào một buổi sáng còn chút sương mù cùng với diễn viên Chi Bảo, chủ tịch Quỹ Hiểu về trái tim. Ra đón có đầy đủ ban ngành: hội doanh nhân trẻ, sở kế hoạch đầu tư, tỉnh đoàn. Có vẻ hơi trọng thị. Họ chở đi một vòng, nói về Ban Mê Thuột quen mà rất lạ: đây là anh chàng có phần cực đoan, chấp nhận trồng sầu riêng theo mô hình “cuộc cách mạng một cọng rơm” – tức là không chăm bón gì cả, để đất trời tự điều tiết sự cân bằng của tự nhiên.

Ai cũng bảo anh chàng bị điên, vì cây lớn chậm, và có phần èo uột. Sầu riêng của thiên hạ đã thu hoạch tiền tỷ hết rồi, nhưng của anh thì còn chưa ra trái lần đầu. Vậy đó, tới khi sầu riêng của đất trời ra trái, thì người Nhật vô tận vườn, mua với giá gấp mấy lần. Việc duy nhất anh chàng phải làm, là đội nón cối ra vườn nhặt sầu riêng bán, vì nó phải tự rụng xuống thì mới là loại vừa chín tới, vừa thơm vừa lành.

Lại có một bạn khác, tìm cách kéo dài giá của trái bơ vào những lúc nghịch mùa. Nghiên cứu đủ mọi phương pháp, cách thức khác nhau, cuối cùng chọn việc làm tinh dầu bơ. Công thức đơn giản, 100 ký bơ tươi thì làm được một lít tinh dầu bơ. 100 ký bơ tươi, loại xấu xí chút cũng không sao, giá 2 triệu đồng. Chế biến bằng các công nghệ được chuyển giao, chi phí mất thêm 2 triệu nữa. Bán tại nguồn cho một công ty dược mỹ phẩm cũng được 6 triệu. Tức là lãi 30%. Chỉ cần điều chỉnh thêm một chút về quy trình, chuỗi vận hành, tiếp cận thị trường tốt hơn, thì tỷ suất lợi nhuận có thể ngầu hơn như vậy rất nhiều…

Rồi chúng tôi gặp ông Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk. Ông Ninh hào hứng kể chuyện: “Chúng tôi vừa được cấp giấy chứng nhận thành lập công ty Vườn ươm Khởi nghiệp Đắk Lắk, do các anh em trong hội doanh nhân trẻ góp vốn thành lập. Vốn thì chưa nhiều, mới có hơn một tỷ đồng, nhưng là một điểm khởi đầu tốt. Mượn được cái mặt bằng để làm ra không gian làm việc chung, đi nhờ tất cả các sở ngành có hội họp, huấn luyện gì thì mang đến đây để tạo ra cộng đồng khởi nghiệp, mỗi tuần đều tổ chức cà phê khởi nghiệp… Nói chung cũng chỉ mới bắt đầu”.

Ngồi im, nghe các anh chị trong hội doanh nhân trẻ tranh luận về định hướng phát triển khởi nghiệp, thấy rất thú vị. Có anh thì cương quyết bảo vệ quan điểm phải đẩy mạnh phát triển công nghệ 4.0, vì anh biết có nhiều người con Đắk Lắk đang rất thành công tại Sài Gòn và cả ở Mỹ liên quan đến trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao. Chẳng hạn CEO của một công ty vận tải công nghệ hàng đầu Việt Nam là người Đắk Lắk, hai người chuyên gia của Google cũng là người Đắk Lắk, vậy làm sao để thu hút họ về để đẩy khởi nghiệp quê nhà lên là việc cần làm.

Một anh khác thì bảo vệ ý tưởng khởi nghiệp Đắk Lắk phải khác với khởi nghiệp Hà Nội và Sài Gòn, mình phải tự dựa vào sức mình chứ làm sao chạy theo trào lưu công nghệ cao được. Ý kiến này được ông phó chủ tịch ủng hộ, vì nó phải phù hợp với xu hướng “bản địa hóa” của thế giới: khởi nghiệp với tài nguyên bản địa. Xong mọi người nói nhiều về những tiềm năng còn bị lãng phí của vùng đất đai được thiên nhiên ưu đãi nhất dải cao nguyên miền Trung này…

Buổi tối, hơn 400 sinh viên Đại học Tây Nguyên ngồi kín hội trường để nghe kể chuyện khởi nghiệp. Chuyện về website gọi vốn cộng đồng Indegogo có hàng ngàn sản phẩm khởi nghiệp liên quan đến cà phê, mà nơi xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới thì chưa có động tĩnh gì. Chuyện về cái nồi cá kho của làng Vũ Đại giờ đi vòng quanh thế giới, đâu có cần tới công nghệ cao.

Diễn giả kể chuyện, xong đến các bạn sinh viên kể chuyện lại. Rằng có một cậu thanh niên đang học năm thứ hai ở Bách Khoa Sài Gòn, thấy không hợp lý, nên xách giỏ về quê đi học lại ngành cây trồng, vì nghĩ rằng gắn bó với núi rừng, cây cối mới là lựa chọn của cuộc đời mình. Lại có một bạn luôn dẫn đầu trong tất cả các cuộc thi mật mã quy mô quốc tế, vừa bị đánh sập toàn bộ công sức vì quá tự tin. Giờ học được bài học thất bại, nên muốn đứng dậy tiếp tục khởi nghiệp…

Bốn tiếng đồng hồ trôi qua vèo vèo. Không có ai bỏ về. Không có ai ồn ào nói chuyện riêng. Kết thúc chương trình, hội trường vẫn vây kín khách mời để tranh thủ hỏi cho xong câu chuyện của mình.

Lên máy bay, vẫn không quên được mùi cà phê nồng đượm. Nhìn xuống phía dưới, vẫn thấy lớp lớp cây bơ, xen canh ở dưới là cà phê, cạnh bên là hàng hàng hồ tiêu. Bất giác tin rằng, tiềm năng cỡ này, chỉ cần đánh thức mà thôi…

www.khoahocphattrien,vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ