SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của PROBIOTIC (Bacillus subtilis) lên chất lượng nước, tỉ lệ sống và hoạt tính enzyme tiêu hóa của ấu trùng Cua biển (Scylla paramamosain)

[14/09/2018 11:15]

Nghiên cứu của tác giả: Trần Nguyễn Duy Khoa - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Ảnh: sưu tầm.

Cua biển (Scylla paramamosain) loài đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao vào được nuôi ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, diện tích nuôi cua biển ngày càng mở rộng dẫn đến nguồn giống cua biển từ tự nhiên đang giảm mạnh do việc khai thác quá mức để cung cấp cho nghề nuôi (Nyqvist, 2011). Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ trại giống cho mục đích sản xuất giống cua biển ở quy mô thương mại cũng được tập trung nghiên cứu. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là tỉ lệ sống của ấu trùng còn thấp (Lindner, 2005). Nhiều nguyên nhân được nêu ra như: nhiễm khuẩn từ cua mẹ và môi trường (Talpur et al., 2011; Wu et al., 2016), chất lượng nước (Li et al., 2012) hay đặc điểm dinh dưỡng (Pavasovic, 2004; Holme, 2008). 

Song song đó, các loại kháng sinh và thuốc diệt khuẩn đã và đang được sử dụng rộng rãi trong sản xuất thủy sản ở trại giống hay trang trại (Gomez et al., 2000) để kiểm soát bệnh trên đối tượng nuôi, dẫn đến việc hình thành các dòng vi khuẩn kháng thuốc (Zhang, Li, and Sun, 2011) gây ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản và các khía cạnh xã hội (Mezhoud et al., 2016). Gần đây, probiotic được ứng dụng vào thủy sản được xem như là một giải pháp đột phá trong sản xuất thủy sản (Browdy, 1998). Probiotic được báo cáo với hiệu quả vượt trội trong việc ức chế các mầm bệnh vi khuẩn ở cá (Mandiki et al., 2011; Janarthanam et al., 2012), tăng cường khả năng tiêu hóa trên tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh (Zokaeifar et al., 2012; Sumon et al., 2018), kích thích miễn dịch trên cá, tôm (Newaj-Fyzul et al., 2014; Banerjee and Ray, 2017) và cải thiện chất lượng môi trường nước nuôi  (Nimrat et al., 2012; Talpur et al., 2013). Trong bối cảnh hiện nay, nếu yêu cầu thực hành canh tác hiệu quả và thân thiện với môi trường được đặt lên hàng đầu thì probiotic ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn (Wang, Li, and Lin, 2008). 

Đã có nhiều nghiên cứu đánh giá tác dụng của probiotic lên sự phát triển và miễn dịch ở động vật thủy sản như cá (Yarahmadi et al., 2016; Munir et al., 2018), tôm (Zokaeifar et al., 2012; Sumon et al., 2018), nhuyễn thể (Prado, Romalde, and Barja, 2010; Thảo et al., 2012; Saebom, 2016); nhưng có rất ít thông tin về việc ứng dụng probiotic trong quá trình ương ấu trùng cua biển (Talib et al., 2017).

Probiotic được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản để cải thiện chất lượng nước, kiểm soát dịch bệnh và tăng cường hệ thống miễn dịch của các động vật thủy sinh. Nghiên cứu này được tiến hành để xác định hiệu quả của vi khuẩn Bacillus subtilis như một chất bổ sung trong quá trình ương ấu trùng cua biển (Scylla paramamosain). Bacillus subtilis được bổ sung hàng tuần với mật độ 106 CF/mL và nghiệm thức đối chứng không sử dụng probiotic. Kết quả cho thấy rằng, probiotic có thể giúp cải thiện chất lượng nước như hàm lượng TAN, nitrit và mật độ Vibrio thấp hơn đáng kể so với nghiệm thức đối chứng (p<0,05). Chỉ số biến thái (LSI) và tỉ lệ sống của ấu trùng được nâng cao về đáng kể so với khi không sử dụng probiotic (p<0,05). Các hoạt tính của các enzyme tiêu hóa bao gồm Protease, Trypsin, Pepsin và Amylase đã tăng đáng kể từ giai đoạn Zoae 1 đến Zoae 5 (p<0,05). Nghiên cứu này cho thấy Bacillus subtilis thích hợp để ứng dụng trong ương nuôi ấu trùng cua biển để nâng cao tỉ lệ sống, tỉ lệ biến thái ấu trùng và hoạt tính của các enzyme tiêu hóa, cải thiện chất lượng nước và kiểm soát dịch bệnh trên ấu trùng cua biển.

Tạp Chí Khoa học Trường ĐH Cần Thơ-Tập 54, Số CĐ Thủy sản, Phần B(2018)(lntrang)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ