SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hai mục tiêu cơ bản trong Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam đến 2025

[09/11/2018 08:59]

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) vừa ban hành Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam đến 2025 với hai mục tiêu cơ bản.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đã có những chia sẻ về Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam đến 2025. Ảnh: Hán Hiển.

Cụ thể, Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam đến 2025 đầu tiên sẽ hướng tới việc tạo ra một số sản phẩm của riêng Việt Nam, dựa trên các lợi thế của Việt Nam để phục vụ thị trường trong nước, đồng thời đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Thứ hai, xây dựng năng lực nội tại cho lĩnh vực này, gồm xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, máy móc, công nghệ để đón đầu, bắt kịp xu hướng thế giới.

Lý giải về việc chọn thời điểm này để phát triển trí tuệ nhân tạo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, AI đã phát triển từ lâu đời và là dòng chảy tiếp diễn của các nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực như toán học, công nghệ thông tin (máy học hay thuật toán xử lý dữ liệu). Gần đây, AI có bước phát triển đột phá trên thế giới bởi sự phát triển của các công nghệ thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn.

Tại Việt Nam, AI được nghiên cứu và phát triển lâu đời trong các trường học và viện nghiên cứu nhằm giải các bài toán đặc thù Việt Nam như nhận dạng chữ viết, văn bản, tiếng nói tiếng Việt, hiểu và phân tích văn bản tiếng Việt.

“Việt Nam có nền tảng khá tốt về toán nên khi chuyển sang công nghệ thông tin, chúng ta có thế mạnh về thuật toán và trí tuệ nhân tạo so với các mảng khác. Bối cảnh thế giới và trong nước đang tạo ra thời điểm tốt cho Việt Nam đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, thời gian qua, Bộ đã làm việc với nhiều nhóm chuyên gia chủ chốt về AI ở Việt Nam cũng như các chuyên gia người Việt ở nước ngoài để xác định các hành động cụ thể. Đến nay, đã liên kết được lực lượng nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng giải quyết một số vấn đề lớn; Hình thành được mạng lưới 100 nhà khoa học Việt Nam ở nước. Ngoài ra, Bộ cũng đã xây dựng dữ liệu lớn, dùng chung trong các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cộng đồng, như Đề án hệ tri thức Việt số hóa…

Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai các nghiên cứu cơ bản và đào tạo chính thống. Các đề tài nghiên cứu cơ bản trong AI sẽ được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia ưu tiên. Bộ đang đề nghị Viện toán cao cấp xác định một vài bài toán cơ bản trong lĩnh vực AI để tập hợp các nhà toán học Việt Nam trong và ngoài nước cùng giải quyết.

Tiếp theo, sẽ nghiên cứu phát triển công nghệ, ứng dụng để tạo ra một số sản phẩm cụ thể. Đây là những đề tài trong chương trình trọng điểm KC 4.0. Dự kiến một số viện, trường trọng điểm sẽ được đầu tư hệ thống máy móc dùng chung. Đồng thời, Bộ sẽ triển khai các hoạt động đào tạo phi hàn lâm, thúc đẩy các khóa đào tạo ngắn hạn, khóa đào tạo tư nhân… Hiện tại, Bộ KH&CN đang tiếp tục làm việc với các nhóm chuyên gia chủ chốt về AI để cùng nhau xác định và triển khai các nhiệm vụ ưu tiên.

“Chúng tôi cũng sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp triển khai và lồng ghép các chương trình. Mong muốn của Bộ KH&CN là có những bước đi thực tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam để kế hoạch có tính khả thi, đạt được hiệu quả đề ra”, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, tại Hội thảo về Smart IoT (Internet vạn vật) Việt Nam 2018 vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia cũng đã đề cập nhiều tới các nền tảng công nghệ như: Dữ liệu lớn (Big Data), AI (trí tuệ nhân tạo), IoT, mạng 5G, thời gian thực…

Theo một số chuyên gia, tại Việt Nam, các ứng dụng “gần” với IoT, AI đã được nghiên cứu và hiện thực hóa trong những năm qua ở nhiều quy mô khác nhau. Tuy nhiên, việc xây dựng một nền công nghiệp IoT, AI... không dễ dàng.

www.vietq.vn (ttncac)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ