SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tuyển chọn và nghiên cứu đặc điểm sinh học chủng xạ khuẩn có khả năng đối kháng nấm Aspergillus flavus gây bệnh trên cam quýt.

[10/12/2018 10:15]

Nghiên cứu này đã tiến hành tuyển chọn, xác định đặc điểm sinh học của chủng xạ khuẩn co khả năng đối kháng với nấm Aspergillus flavus gây bệnh trên quả cam quýt.

Nguồn: Internet

Các loài cây thuộc họ cam quýt (cam, chanh, bưởi…) chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng ở Việt Nam và được trồng trên khắp các vùng sinh thái của cả nước và là nhóm quả xuất khẩu chủ lực. Cam quýt thường xuyên bị hư hại do sự tấn công của các loại nấm mốc, quá trình này diễn ra trong các giai đoạn sinh trưởng và phát triển nhưng thiệt hại nặng nề nhất ở giai đoạn sau thu hoạch (Bankole, 1993). Nấm mốc này không những gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân mà còn sinh ra các loại độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trong điều kiện nhiệt độ 5-100C, độ ẩm tương đối của không khí khoảng 85-92%, thì thời gian tồn trữ có thể kéo dài 4-6 tuần. tuy nhiên một số chủng nấm mốc thuộc chi Aspergillus bao gồm cả Aspergillus flavus có khả năng phát triển ở nhiệt độ thấp. Các chủng A.flavus xuất hiện trên các loại quả thuộc họ cam quýt gây bệnh mốc xanh chiếm hơn 50% các hư hỏng trên quả và được coi là bệnh sau thu hoạch gây hại nghiêm trọng nhất. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện với mục đich phát hiện, xác định những chủng xạ khuẩn có hoạt tính kháng A.flavus hại quả cam quýt, từ đó tìm ra các hợp chất mới an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường để ứng dụng bảo quản các loại quả cam quýt sau thu hoạch, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp an toàn và bền vững, do nhóm tác giả Nguyễn Xuân Cảnh, Lê Thị Chinh (Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Phạm Hồng Hiển và Trịnh Thị Vân (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện.

Nghiên cứu đã tuyển chọn được 3 chủng xạ khuẩn trong tổng số 71 chủng có khả năng đối kháng với nấm Aspergillus flavus. Trong đó chủng NN1 thể hiện hoạt tính kháng nấm mạnh nhất với đường kính vòng ức chế là 17mm. Chủng xạ khuẩn này tạo khuẩn lạc trên môi trường Gause-1 có dạng tròn đều, màu trắng, tâm hơi xám. Có khả năng sinh sản theo phương thức nảy chồi hoặc phân đoạn chứ không tạo chuỗi sinh bào tử, có thể sinh trưởng tốt trên môi trường có chứa nguồn cacbon là D-Glucoza và nguồn Nitơ là KNO3, (NH4)SO4, cao thịt bò, pepton. Điều kiện môi trường thích hợp cho chủng NN1 ở ngưỡng nhiệt độ 30-350C, pH 6-9 và nồng độ muối dưới 5%. Ngoài ra, chủng này có khả năng sinh melanin yếu trên môi trường ISP-6. Phân tích trình tự 16S rARN cho thấy chủng NN1 có độ tương đồng tới 98,5% so với chủng Streptomyces variegatus NR_112473.1. Kết hợp với các khóa phân loại truyền thống xác định chủng xạ khuẩn NN1 thuộc loài Streptomyces variegates.

Tạp chí NN&PTNT số 11/2018 (ltnhuong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ