SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản: Muốn xây thương hiệu, phải tạo lòng tin

[06/03/2019 08:36]

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), muốn xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, việc cần làm đầu tiên là xây dựng được lòng tin.

Muốn nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường thế giới, cần làm tốt việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản. Ảnh minh họa.

Phát biểu tại diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam 2019”, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, ngoài việc tăng giá trị thì phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản chính là một trong những yếu tố giúp các sản phẩm của Việt Nam có thể đứng vững trên thị trường quốc tế.

“Nếu chỉ nhìn vào giá trị sản xuất, giá trị kim ngạch xuất khẩu thì chưa công bằng với tất cả các bên tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản. Ta cứ nhìn 1 USD xuất khẩu nông sản thì người nông dân được hưởng bao nhiêu phần trăm trong đó. Vậy nên, phát triển thương hiệu cho nông sản là một giải pháp thúc đẩy và gia tăng giá trị nông sản dựa vào xuất khẩu”, ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, hiện một tỷ lệ rất lớn (lên tới 70 – 80%) nông sản xuất khẩu của Việt Nam không được mang thương hiệu rõ ràng của các doanh nghiệp Việt (chế biến hoặc xuất khẩu). Các nông sản này chỉ thể hiện một chỉ dấu đơn giản nhất về nguồn gốc xuất xứ, đó là “nông sản Việt Nam”.

Đây là bất lợi lớn với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản. Bởi nếu trong 100 doanh nghiệp cùng xuất khẩu nông sản nhưng chỉ cần 1 lô hàng của 1 doanh nghiệp gặp vấn đề thì toàn bộ nông sản Việt Nam sẽ bị mang tiếng. “Người ta không thể biết đó là sản phẩm lỗi của doanh nghiệp nào, người ta chỉ biết đó là nông sản của Việt Nam”, ông Thịnh phân tích.

Chuyên gia của BCSI nói thêm, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận khác đi và có thái độ quyết liệt hơn với vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu, bởi đó là hình ảnh của quốc gia, của ngành hàng chứ không chỉ đơn thuần của một vài doanh nghiệp. Ông Thịnh đồng thời khẳng định mấu chốt của việc xây dựng thương hiệu cho nông sản nằm ở long tin.

“Xây dựng thương hiệu không phải là việc vẽ ra một cái logo, kèm vào đó một câu khẩu hiệu và mang đi quảng cáo. Thương hiệu là lòng tin. Tại sao nông sản của ta không bán được giá cao? Tại vì lòng tin của người tiêu dùng chưa thực sự có. Về điều này các hiệp hội, hợp tác xã đã làm nhưng gần như chưa đạt được hiệu quả như mong đợi”, ông Thịnh phân tích.

Theo vị chuyên gia này, nói đến chuyện xây dựng thương hiệu thì phải xác định được chủ thể của nó. Ông cho rằng ở Việt Nam hiện nay có 3 chủ thể chính tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu gồm: Các doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu nông sản, các tổ chức tập thể như hiệp hội, hợp tác xã, các chủ sở hữu thương hiệu chứng nhận.

Và trong quá trình xây dựng thương hiệu cần sự tham gia của rất nhiều chủ thể khác, từ các hội sản xuất đến chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, cơ quan giám sát…

Đánh giá thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương) đề xuất, cần tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản có trọng tâm, trọng điểm, có quy mô và theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng hóa của thị trường nhập khẩu.

Song song với đó, cần tập trung đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu, căn cứ theo năng lực thực tế để tổ chức sản xuất. Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nghiên cứu, thay đổi tư duy tiếp cận thị trường và phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc.

www.vietq.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ