SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đà Nẵng: Khoảng chênh giữa thể thao và sở hữu trí tuệ còn lớn

[25/04/2019 15:53]

Hưởng ứng “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” 26/4 với chủ đề năm 2019 “Đường tới huy chương vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao”, ngày 24/4, tại TP. Đà Nẵng, Sở Khoa học - Công nghệ (KH&CN) thành phố đã tổ chức hội thảo sở hữu trí tuệ với văn hóa, thể thao và du lịch.

Tré Bà Đệ (Đà Nẵng) - thương hiệu đã bị tranh chấp do không xác lập bảo hộ SHTT.

Sở hữu trí tuệ gắn liền với lợi ích kinh tế

Nền tảng văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam hiện tại đã tương đối phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đã thiết lập được một mạng lưới các cơ quan tổ chức có chức năng thực thi pháp luật SHTT, hoạt động sáng tạo, phát triển các loại SHTT đã và đang nhận được sự quan tâm của ngày càng nhiều của cộng đồng.

Tại TP. Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại đã có 251 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó, chủ yếu là đăng ký sở hữu nhãn hiệu (244/251 đơn), có 2 sáng chế và 5 đơn đăng ký sở hữu kiểu dáng công nghiệp.

Đến hết năm 2018, Đà Nẵng có 3.352 văn bằng được cấp. Trong đó, có 3.185 văn bằng về nhãn hiệu, 48 sáng chế và giải pháp hữu ích và 119 kiểu dáng công nghiệp. Riêng trong năm 2018, Sở KH&CN Đà Nẵng đã xây dựng hồ sơ hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 5 tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Hòa Vang với 2 nhãn hiệu chứng nhận và 5 nhãn hiệu tập thể.

Theo bà Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng - việc hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đăng ký bảo hộ quyền SHTT góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, tạo lập và khai thác quyền SHTT tại địa phương, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể trong quá trình thương mại hóa tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, hoạt động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu liên quan đến tên địa danh cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ giúp việc quản lý và phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương thuận lợi và hiệu quả hơn.

“Các cá nhân, tổ chức khi đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đồng thời sẽ được tư vấn các biện pháp bảo vệ quyền và các thủ tục giải quyết tranh chấp khi phát sinh. Thông qua đăng ký SHTT, các cá nhân, tổ chức có thể tránh tình trạng sử dụng các dấu hiệu trùng lắp, tương tự với nhãn hiện, kiểu dáng công nghiệp hay sử dụng sáng chế đã được bảo hộ của chủ thể khác để đăng ký, hạn chế tình trạng tranh chấp và cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, bà Bích Hậu nói.

Trong năm 2018, Sở Khoa học - Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý 158 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, trong đó, chủ yếu là xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, xử phạt gần 800 triệu đồng.

CPTPP và mối lo xâm phạm sở hữu trí tuệ

CPTPP là hiệp định thương mại tự do có mức bảo hộ cao nhất trong tất cả các FTA mà Việt Nam đã tham gia với những chế tài mạnh và chặt chẽ trong thực thi các quyền SHTT. Trong đó, nổi bật là các quy định về hành vi xâm phạm SHTT ở quy mô thương mại sẽ bị khép vào mức xử lý hình sự. CPTPP cũng quy định chặt về mở rộng các đối tượng bảo hộ quyền SHTT từ bảo hộ nhãn hiệu dưới dạng nhìn thấy mở rộng ra đến bảo hộ cả nhãn hiệu âm thanh, tiến tới bảo hộ nhãn hiệu mùi. Đây thực sự sẽ là một thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi việc đăng ký và sử dụng các quyền trong bảo hộ SHTT tại các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng còn hết sức hạn chế. Trong khi, hàng giả nhãn hiệu tại Việt Nam luôn là một vấn đề nhức nhối. Riêng trong năm 2018, lực lượng QLTT Đà Nẵng đã phát hiện và xử lý 128 vụ vi phạm về hàng giả, kém chất lượng, SHTT.

Hàng giả nhãn hiệu tại Việt Nam luôn là vấn đề nhức nhối.

Dù vậy, chúng ta còn 5 năm để “trì hoãn”, đây là khoảng thời gian cần thiết để sửa đổi và cập nhật hệ thống luật pháp cho phù hợp, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần tận dụng thời gian này để thay đổi và thích ứng với các quy định của CPTPP thì mới có thể tận dụng được các ưu đãi tại các quốc gia thành viên còn lại.

Cần tăng cường thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thể thao

Chủ đề của ngày SHTT (26/4) năm nay đó là “Vươn tới giải vàng: Sở hữu trí tuệ và thể thao” với mong muốn tập trung vào việc phổ biến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về một khía cạnh mới trong việc áp dụng những luật bảo vệ SHTT vào ngành kinh doanh thể thao. Từ đó giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến thể thao có thể sáng tạo, phát triển và tăng trưởng tốt hơn.

Bà Ngô Phương Trà - Phụ trách văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP. Đà Nẵng, các đơn vị trong ngành công nghiệp thể thao chọn bảo hộ SHTT thông qua bằng sáng chế và các thiết kế để phát triển công nghệ, chất liệu, phương pháp huấn luyện, thiết bị, giúp các vận động viên cải thiện thành tích thể thao, thu hút người hâm mộ trên toàn thể giới. Từ đó, xây dựng hình ảnh người nổi tiếng và phục vụ lại cho vận động viên và các thương hiệu.

“Nhìn từ việc hợp tác giữa David Beckham với Vinfast trong sự kiện triển lãm ô tô thế giới năm 2018 sẽ thấy vai trò của SHTT. Thông qua hình ảnh cựu tuyển thủ nổi tiếng này mà thương hiệu Vinfast được biết đến trên toàn thế giới, nhờ đó giá trị của thương hiệu này được nâng cao. Trong khi, cựu tuyển thủ này cũng thu về một khoản thu hấp dẫn từ hợp đồng tài trợ”, bà Trà viện dẫn.

Hiện Việt Nam có 1.897 doanh nghiệp đăng ký 2.622 nhãn hiệu trong lĩnh vực thể thao. Tại TP. Đà Nẵng, hiện có 673 doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Mặc dù vậy, việc đăng ký sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, thể thao tại Đà Nẵng còn khá mờ nhạt. Đối với lĩnh vực du lịch, tại Đà Nẵng đã nhiều lần xảy ra trường hợp thương hiệu các công ty du lịch có uy tín bị nháy nhãn hiệu để sử dụng. “Các công ty, du lịch, lữ hành ở Đà Nẵng bị nhái thương hiệu rất nhiều. Nhưng không doanh nghiệp nào đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm du lịch của mình”, bà Phương Trà nói và cho biết thêm, trên thực tế, tại TP. Đà Nẵng đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp phức tạp do không đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, tiêu biểu như thương hiệu Tré Bà Đệ.

www.baocongthuong.com.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ