SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ngày hội STEM 2019: Xây dựng và tiếp năng lượng cho hệ sinh thái STEM

[16/05/2019 08:50]

Hàng chục hoạt động nghe, xem, sờ, làm hứa hẹn sẽ mang đến nhiều bất ngờ cho người tham dự Ngày hội STEM 2019, sự kiện quy mô quốc gia duy nhất đang góp phần xây dựng và tiếp năng lượng cho hệ sinh thái STEM của Việt Nam.

TS. Đào Sỹ Đức (giữa), Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó trưởng ban Thường trực Ngày hội STEM 2019, chủ trì họp báo. Ảnh: Công Nhất.

Chiều 13/5, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo công bố Ngày hội STEM 2019.

Ban tổ chức cho biết, đây là sự kiện dành cho các em học sinh tuổi từ 8-18, các giáo viên phổ thông, nhà quản lý, phụ huynh học sinh và tất cả những ai quan tâm đến giáo dục STEM ở khu vực phía Bắc.

Giải thích về chủ đề “Nguyên tố bí ẩn” của Ngày hội, TS Đặng Văn Sơn, Giám đốc Học viện Sáng tạo S3, Phó trưởng ban tổ chức, cho biết, năm 2019 được Liên hiệp quốc chọn là Năm Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hoá học hay còn gọi là Bảng Tuần hoàn Mendeleev (IYPT2019), nhằm tôn vinh những giá trị mà Bàng Tuần hoàn Mendeleev mang lại cho cộng đồng kể từ khi ra đời vào năm 1869. 

“Cho đến nay, Bảng Tuần hoàn đã có 118 nguyên tố hóa học và con số này còn tiếp tục tăng lên trong tương lai, nhưng không nhà nghiên cứu nào biết trước, nguyên tố tiếp theo góp mặt trong Bảng Tuần hoàn là nguyên tố gì. Chúng tôi gọi đó là nguyên tố X, nguyên tố bí ẩn. Ngày hội STEM 2019 lấy chủ đề “Nguyên tố bí ẩn” cũng nhằm hưởng ứng Năm Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hoá học,” TS Đặng Văn Sơn nói. 

Nghe, Xem, Sờ, Làm 

Giống như các năm trước, Ngày hội STEM 2019 tập trung vào hai phần: Hội và Học thông qua các trải nghiệm Nghe, Xem, Sờ, Làm dành cho mọi đối tượng tham gia. 

Trong đó, ở phần Hội, người tham dự được quan sát hoặc trực tiếp làm các thí nghiệm khoa học, giải toán, điều kiển robot, chơi các trò chơi trí tuệ, sáng tạo với đồ tái chế, tập làm index… Đây là các hoạt động do hơn 20 phòng giáo dục, trường phổ thông, cao đẳng, đại học, công ty giáo dục STEM trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh mang đến. Đặc biệt, các em học sinh sẽ được tham gia cuộc thi điều khiển robot sắp xếp thành Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học do Kidscode tổ chức. Bên cạnh đó, trong màn trình diễn Science Show, Học viện Sáng tạo S3 và sinh viên khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên sẽ “cống hiến” một màn kịch với những thí nghiệm thú vị về chủ đề khí làm biến đổi giọng nói con người như thế nào.

Ở phần Học, sẽ có khoảng 15 lớp học mẫu theo tiếp cận giáo dục STEM để học sinh tham gia và giáo viên có thể dự giờ. Năm nay, các lớp học được tổ chức bởi Học viện Sáng tạo S3, PoMath, Kidscode, Học viện STEM, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Phòng Giáo dục Thanh Chương và Phòng Giáo dục Lào Cai… Những lớp học do giáo viên địa phương giảng dạy về STEM cho học sinh thành phố sẽ góp phần khẳng định, giáo dục STEM có thể phát triển ở bất kì đâu, chỉ cần có niềm đam mê thực hành.
Một hoạt động Học khác được khởi đầu từ năm ngoái và tiếp tục duy trì trong năm nay là LabTour, cho phép người tham dự đến thăm và nghe các nhà nghiên cứu giới thiệu về các phòng thí nghiệm ngay trong khuôn viên Đại học Khoa học tự nhiên. Cụ thể, 4 phòng thí nghiệm sẽ mở cửa đón khách bao gồm: Phòng Máy gia tốc (Khoa Vật lý); Phòng thí nghiệm trọng điểm Enzyme và Protein (Khoa Sinh); Phòng thí nghiệm nghiên cứu Môi trường (Khoa Môi trường); Bảo tàng Địa chất (Khoa Địa chất).

Bên cạnh phần Hội và Học, Ngày hội STEM còn có các bài giảng đại chúng là phần cung cấp các kiến thức hàn lâm nhưng được phổ thông hóa, giúp công chúng tiếp cận những kiến thức mới. Năm nay, có 2 bài giảng, bao gồm: “Hóa học xanh bảo vệ môi trường do PGS. TS. Nguyễn Thị Hà - Giảng viên cao cấp hạng 1 trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giải thưởng Kovalevskaia 2018 - trình bày; và bài giảng “Hố đen” do PGS.TS.NCVCC. Phạm Anh Tuấn - Trưởng ban Quản lý dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - trình bày.

Ở phần Hội thảo dành cho các giáo viên, chuyên gia và phụ huynh học sinh, các vấn đề lý luận và thực tiễn triển khai giáo dục STEM ở địa phương trong điều kiện chưa có ngân sách chính thức của nhà nước sẽ được thảo luận thông qua các báo cáo đến từ Phòng giáo dục và UBND Huyện Thanh Chương, Nghệ An; Phòng giáo dục Nam Định; Phòng Giáo dục Bắc Từ Liêm; Trường Tạ Quang Bửu… Tham gia trao đổi còn có các nhà nghiên cứu giáo dục: PGS.TS Nguyễn Chí Thành – Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cùng các nhà hoạt động xã hội về giáo dục STEM: TS. Đặng Văn Sơn, Học viện Sáng tạo S3; Kĩ sư Đỗ Hoàng Sơn – Công ty Long Minh…

Trong khuôn khổ Ngày hội cũng sẽ diễn ra lễ trao giải Cuộc thi tìm hiểu Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học dành cho học sinh, sinh viên, được phát động từ Ngày hội STEM năm ngoái.

Một hệ sinh thái ngày càng hoàn chỉnh

Có mặt tại buổi họp báo, em Hà Công Minh, Sinh viên năm thứ nhất Khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội, "một sản phẩm của giáo dục STEM ở trường làng [Thái Thụy, Thái Bình]", chia sẻ về việc giáo dục STEM đã truyền cảm hứng để em hoàn thiện sản phẩm và giành giải 3 tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật toàn quốc ra sao. Ảnh: Công Nhất.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, một thành viên của Liên minh STEM, chia sẻ, khi Ngày hội STEM được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, chỉ có 2 trường làng được mời đến tham quan để tìm hiểu về giáo dục STEM. Kể từ đó, nhờ đóng góp của nhiều doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các cá nhân, giáo dục STEM đã được triển khai ở hàng trăm trường phổ thông mà 70% trong số đó là ở các tỉnh nông thôn, miền núi trong điều kiện chưa được Nhà nước chính thức cấp ngân sách.

“Lần này các trường làng cũng được mời đến để họ thấy ngày hội tổ chức ở thành phố cũng giống như ở quê thôi,” ông Sơn, người tham gia nhiều lớp đào tạo về giáo dục STEM cho giáo viên ở địa phương, khẳng định. Ông cũng cho rằng, với sự tham gia ngày càng đông của các phòng giáo dục, trường phổ thông, cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… từ nhiều tỉnh/thành phố khác nhau, Ngày hội STEM đang chứng tỏ góp phần xây dựng và tiếp năng lượng cho hệ sinh thái STEM ngày càng hoàn chỉnh.

Dự kiến, Ngày hội STEM 2019 sẽ đón 2.000 lượt học sinh cùng 500 lượt phụ huynh tham gia.

Thông tin chi tiết về Ngày hội STEM 2019

Thời gian: Từ 8:00 đến 16:30, Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2019
Địa điểm: Trường Đại học Khoa học tự nhiên, 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Fanpage: https://www.facebook.com/ngayhoistem/
Mở cửa miễn phí

* Ngày hội STEM được tổ chức lần đầu vào năm 2015 theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng (nay là Ấn phẩm Tia Sáng của báo Khoa học và Phát triển, Bộ KH&CN) và Liên minh STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Kể từ đó, sự kiện này được tổ chức hằng năm vào dịp Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 
Mục đích của Ngày hội nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM, một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu-Mỹ. 
Ngày hội STEM 2019 do nhiều đơn vị chung tay tổ chức trên tinh thần yêu khoa học và tình nguyện như Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Sáng tạo S3, Học viện STEM, Kidscode, PoMath, Công ty Long Minh… Sự kiện được bảo trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ; Đại học Quốc gia Hà Nội; và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
* STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEM là một quan điểm dạy học theo tiếp cận liên ngành từ hai trong số bốn lĩnh vực nêu trên trở lên, trong đó nội dung học tập được gắn với thực tiễn, còn phương pháp học tập được gắn với thực hành để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và nắm bắt định hướng nghề nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

www.khoahocphattrien.vn (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ