SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của chu kỳ biến động độ mặn lên chu kỳ lột xác và sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) giai đoạn giống

[26/06/2019 14:51]

Nghiên cứu do các tác giả Huỳnh Thanh Tới và Nguyễn Thị Hồng Vân thuộc Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ tiến hành thực hiện.

Biến đổi khí hậu đang là vấn đề được ngành thủy sản trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay quan tâm bởi vì nắng nóng và mưa to kéo dài gây khó khăn cho quá trình chăm sóc tôm. Mưa to kéo dài có thể làm giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi ảnh hưởng đến sinh trưởng của các đối tượng thủy sản. Trong nuôi thủy sản nước lợ, biến đổi độ mặn có ảnh hưởng lên sinh trưởng của tôm từ giai đoạn giống. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu cho biết biến động độ mặn trong khoảng thích hợp sẽ kích thích tôm lột xác và nhanh lớn hơn. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng nồng độ muối được hạ 4‰ vào các chu kỳ biến động là 2; 4; 6 và 8 ngày với tôm trắng Trung Quốc (Fenneropenaeus chinensis) cho thấy với chu kỳ biến động 4 ngày thì tôm tăng trưởng tốt nhất. Thêm vào đó, ở mức biến động là 2 ngày/lần thì tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) nuôi ở độ mặn biến động ± 5‰ và ± 10‰ có tăng trưởng tốt hơn tôm nuôi ở độ mặn không biến động hoặc biến động ± 15‰. Các kết quả này vẫn chưa chỉ ra được với chu kỳ biếng động (ngày/lần) như thế nào sẽ kích thích chu kỳ lột xác của tôm và tăng trưởng tốt nhất.

Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)

Thí nghiệm nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của chu kỳ biến động độ mặn lên chu kỳ lột xác và sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng hậu ấu trùng. Tôm được nuôi cá thể trong bình nhựa 5 L chứa 2 L nước biển 20‰, 04 nghiệm thức bao gồm độ mặn biến động với biên độ ± 0‰ (NT1; ĐC) và biến động độ mặn với biên độ là ± 5‰ với chu kỳ biến động là 2 ngày (NT2), 4 ngày (NT3) và 6 ngày (NT4), mỗi nghiệm thức lặp lại 30 lần. Tôm có khối lượng và chiều dài ban đầu là 0,007 g/cá thể; 0,97 cm/cá thể.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tôm nuôi ở nghiệm thức có chu kỳ biến động độ mặn 6 ngày/lần (NT4) có chu kỳ lột xác ngắn (4,9 ngày/lần) và tỉ lệ lột xác là 22,1%/ngày. Ngược lại, tôm nuôi ở độ mặn không thay đổi (NT1) có chu kỳ lột xác dài (5,3 ngày/lần) và tỉ lệ lột xác thấp (20,5%/mỗi ngày). Thêm vào đó, tôm ở NT4 có tăng trưởng về khối lượng tốt nhất (0,88 g/cá thể) sau 45 ngày nuôi, kế đến là tôm ở NT3 (0,85 g/cá thể) NT1 (0,83 g/cá thể) và NT2 (0,74 g/cá thể). Kết quả thí nghiệm này cho thấy tôm ương có độ mặn thay đổi và chu kỳ biến động độ mặn là 6 ngày/lần có chu kỳ lột xác ngắn, tỉ lệ lột xác/ngày cao, dẫn đến tăng trưởng về khối lượng tốt hơn so với tôm nuôi ở độ mặn không thay đổi.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 5/2018 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ