SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Startup điện lưới thông minh 'hưởng lợi' nhờ được chuyển giao công nghệ

[03/07/2019 14:35]

Đó là công ty công nghệ Senvi, với việc ký hợp đồng cung cấp 9.000 thiết bị thu thập dữ liệu từ xa cho công tơ điện tử với giá trị 18 tỉ đồng được điện lực TP.HCM sử dụng trong 2 năm qua.

GS.TS Đặng Lương Mô, chuyên gia cao cấp của ICDREC (trái), nghe giới thiệu từ đại diện SENVI về các thiết bị sẽ được startup này thương mại hóa tại sự kiện ra mắt công ty này hồi tháng 5 năm 2017. Ảnh: Hà Thế An.

Thương mại hóa sản phẩm vi mạch từ kết quả nghiên cứu

Cách đây vừa tròn 2 năm (tháng 5 năm 2017), Công ty cổ phần Công nghệ SENVI được “thai nghén” và thành lập từ việc chuyển giao công nghệ của Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch, ĐH Quốc gia TP.HCM (ICDREC) với một nhóm những kỹ sư công nghệ trong lĩnh vực vi mạch. Thành quả nghiên cứu này nằm trong chương trình "Phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2017-2020".

Nhờ sự “mai mối” của Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM, SENVI đã ký hợp đồng với Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVN-HCMC) cung cấp 9.000 thiết bị modem “thu thập dữ liệu từ xa cho công tơ điện tử”. Modem này là kết quả nghiên cứu của ICDREC chuyển giao cho Senvi. Sau đó, đội ngũ kỹ sư của startup này đã phát triển, tối ưu sản phẩm để thương mại hóa.

Chia sẻ với Tạp chí Khám phá, ông Trần Văn Phương, Giám đốc SENVI cho biết, 9.000 thiết bị modem này được đơn vị cung cấp trong vòng 2 năm cho ngành điện lực TP.HCM. Giá trị hợp đồng lên tới 18 tỉ đồng. Theo đó, modem thu thập dữ liệu từ xa cho công tơ điện tử được sẽ được lắp đặt tại các công tơ 3 pha. Modem này có thể lấy dữ liệu truyền về cho điện lực TP.HCM. Các chỉ số điện sẽ được thu thập và tính tiền cho khách hàng.

“Thiết bị modem này thay thế cho công việc trước đây là công nhân điện phải đi ghi chỉ số điện tại công tơ. Không chỉ vậy thiết bị này còn ghi nhận được các chỉ số công tơ khác như dòng điện, điện áp, hệ số công suất, công suất phản kháng… Các chỉ số này dùng để giám sát chất lượng lưới điện. Cụ thể như một khu vực chất lượng điện ra sao, thiếu hay đủ để ngành điện có thể điều độ điện hợp lý”- ông Phương nói.

Modem còn có thể cảnh báo mất điện tức thời. Cụ thể, khi một vị trí bị mất điện, hệ thống tự động thông báo cho EVN-HCMC giúp họ xử lý nhanh hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Ngoài ra, trong 2 năm qua, startup này còn phát triển một số thiết bị mới như thiết bị giao tiếp với máy cắt tại trạm dùng để đóng cắt điện từ xa; Thiết bị giao tiếp cảnh báo sự cố đường dây trung thế (khi gặp sự cố điện, hệ thống tự cảnh báo chỉ rõ vị trí bị sự cố để nhân viên điện lực đến khắc phục).

Theo ông Phương, các thiết bị này đã thử nghiệm và thương mại tại một số đơn vị điện lực tại TP.HCM. Sắp tới, startup SENVI sẽ tiếp tục làm việc với Tổng công ty điện lực Miền Nam thử nghiệm các sản phẩm để đưa vào ứng dụng. 

Đấu thầu mua sắm công, cần tạo cơ hội cho startup

Sau khi nhận chuyển giao từ ICDREC, công ty SENVI đã phát triển modem thu thập dữ liệu từ xa cho công tơ điện tử ở một số chức năng mới. Việc này nhằm gia tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác bằng chất lượng, cũng như tối ưu giá thành phục vụ cho hoạt động đấu thầu.

“Ngành điện thực hiện các mua sắm công luôn phải thông qua đấu thầu. Chúng tôi phải tận dụng tối đa nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm sao cho giá thấp, đáp ứng kỹ thuật mới có cơ hội trúng thầu”- ông Phương nói.

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc SENVI. Ảnh: Hà Thế An.

Ông cho rằng, khó khăn của các startup khi tham gia đấu thầu mua sắm công đó là năng lực và kinh nghiệm. Các gói thầu EVN-HCMC luôn yêu cầu doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính 3 năm gần nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chứng minh năng lực của mình bằng hợp đồng có giá trị tương tự gói thầu. Ví dụ, muốn đấu thầu gói thầu có giá trị khoảng 10 tỉ, doanh nghiệp phải chứng minh đã từng có một hợp đồng có giá trị 10 tỉ.

“Một doanh nghiệp khởi nghiệp mới ra chưa có kinh nghiệm khó lòng có thể phù hợp với những yêu cầu nêu trên. Nhiều startup cung cấp thiết bị với giá thấp, sản phẩm tốt hơn, nhưng chưa chắc trúng thầu. Vì thế, chúng tôi đề xuất cần đánh giá năng lực doanh nghiệp bằng việc cho họ cơ hội thử nghiệm sản phẩm nhằm giúp họ có cơ hội chứng minh năng lực của mình một cách thực tế nhất”- ông Phương kiến nghị.

Hà Thế An

http://khampha.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ