SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Từ "made in Vietnam" đến "made by Vietnam"

[16/07/2019 11:08]

Câu chuyện thế nào là hàng "made in Vietnam", "made by Vietnam" cùng những lùm xùm của Khải Silk năm 2018 và chiếc tivi của Asanzo mới đây tuy khuấy động dư luận nhưng phía sau đó nổi lên một vấn đề quan trọng hơn là chỗ đứng thương hiệu của một quốc gia trong toàn cầu hóa kinh tế.

Nguồn gốc tivi Asanzo đang có những ý kiến trái chiều.

Để hiểu rõ hơn về "made in Vietnam"

Cùng với những xu hướng đáng khích lệ trong phong trào "Người Việt dùng hàng Việt", nhiều hàng Việt đã có vị thế vững chắc trên thị trường nội địa, chiếm được sự tin tưởng của khách hàng như dệt may, nông thủy sản, đồ gỗ, đồ gia dụng… Đây là giá trị tinh thần và tài sản vô giá mà các doanh nghiệp phải biết gìn giữ vì sự tồn tại và phát triển của chính mình.

Nhưng vấn đề liên quan đến chiếc TV Asanzo đang tạo ra những tranh luận liên quan việc một sản phẩm được tạo ra từ hầu hết linh kiện nhập khẩu dán nhãn "made in Vietnam". Các cơ quan quản lý có cần xây dựng các quy chuẩn đối với hàng hóa được quyền gắn nhãn "made in Vietnam"? Và liệu việc đặt ra các tiêu chuẩn này có thực sự thúc đẩy nền sản xuất trong nước?

Liên quan khái niệm "hàng Việt" có ba cách tiếp cận cơ bản: Hàng có xuất xứ Việt Nam (of Vietnam origin), hàng sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam), và hàng của Việt Nam (product of Vietnam) hay do Việt Nam sản xuất (made by Vietnam).

Hàng xuất xứ Việt Nam thường được xác định bởi các cơ quan quản lý nhà nước nhằm mục đích cho phép nhà xuất khẩu hưởng thuế quan ưu đãi của nước nhập khẩu. Các tiêu chí xác định một mặt hàng có được coi là có xuất xứ từ Việt Nam hay không được quy định cụ thể trong các hiệp định thương mại với các quốc gia liên quan. Các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào các tiêu chí này để cấp chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho các lô hàng xuất khẩu vào thị trường đối tác ký kết. Có nhiều tiêu chí và phương pháp xác định xuất xứ. Thông thường một mặt hàng sẽ được công nhận xuất xứ khi tối thiểu 30-40% hàm lượng chế biến được thực hiện tại quốc gia. Ngoài ra với từng nhóm hàng có thể có những quy định riêng. Việc chứng nhận được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền và đơn thuần vì mục đích thương mại.

Trong khi đó, việc một sản phẩm như thế nào sẽ được quyền dán nhãn sản xuất tại Việt Nam chưa được quy định bởi các cơ quan quản lý nhà nước. Có một thực tế là các quốc gia cũng thường chỉ dành quan tâm tới việc xây dựng các tiêu chuẩn đối với một sản phẩm được sản xuất và lưu hành trên thị trường mình. Việc gắn nhãn địa điểm sản xuất theo thông lệ thể hiện địa điểm nơi sản phẩm được hoàn tất để đưa ra thị trường hơn là gắn với những lợi ích thương mại như chứng nhận xuất xứ.

Khi các nền sản xuất vẫn còn bị giới hạn trong đường biên giới quốc gia, hàng hóa thường được sản xuất gần như toàn bộ trên lãnh thổ của quốc gia. Cụm từ "made in" ngày đó hàm chứa nhiều thông điệp hơn là chỉ dẫn xuất xứ của hàng hóa. Nó đại diện những giá trị sản xuất truyền thống của quốc gia, tiềm lực công nghệ… khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đồng thời chính những sản phẩm có chất lượng này sẽ hình thành nên thương hiệu quốc gia.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa đã khiến một sản phẩm là kết quả của một chuỗi cung ứng từ nhiều quốc gia và kết thúc ở bất kỳ một quốc gia nào trong chuỗi cung ứng đó mà nhà sản xuất thấy phù hợp. Bằng chứng rõ nhất là chúng ta đang thấy những sản phẩm "made in EU", phản ánh mức độ liên kết sâu sắc của 28 nền kinh tế thành viên. Tương tự như vậy, việc Việt Nam mỗi năm xuất khẩu lượng điện thoại di động lớn không khiến chúng ta được coi là "nhà sản xuất thiết bị di động" mà chỉ đơn thuần là cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới của Samsung. Trở lại câu chuyện của Asanzo, ví thử một phần lớn số linh kiện của những chiếc TV của Asanzo được sản xuất tại các doanh nghiệp do Asanzo đầu tư tại Trung Quốc chắc chắn người tiêu dùng không có phản ứng phẫn nộ như đã thấy.

"Made by Vietnam": Hướng đến toàn cầu hóa

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, người tiêu dùng thường không quan trọng sản phẩm được làm ra ở đâu mà quan trọng là nó được phân phối ở thị trường nào hoặc tạo ra bởi nhà sản xuất nào. Hàng hóa tiêu thụ trên thị trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh, an toàn, môi trường… bất kể nó được sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Các tập đoàn đa quốc gia cũng thường đưa ra cam kết chất lượng toàn cầu để bảo đảm hàng hóa của họ có thể tiếp cận mọi thị trường bất kể được sản xuất tại đâu (về lý thuyết là như vậy).

Có thể sắp tới, trước sức ép dư luận đối với việc xử lý hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam, các cơ quan quản lý sẽ tìm cách đưa ra các quy định quản lý nhằm xác định những mặt hàng thế nào sẽ được gắn mác "made in Vietnam". Nhưng như đã phân tích, công việc phức tạp và sẽ khá tốn kém này mang giá trị tinh thần nhiều hơn là thương mại cũng như không có nhiều ý nghĩa trong việc tạo thêm động lực phát triển sản xuất trong nước. Bản chất của chuỗi phân công lao động toàn cầu ngày nay là sản phẩm được làm ra bởi ai (made by) chứ không phải ở đâu (made in).

Chúng ta từng hy vọng "đi tắt đón đầu", thực hiện "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" dựa vào nguồn lực bên ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực công nghệ được chiều chuộng với các chính sách ưu đãi, bảo hộ với hy vọng họ sẽ chuyển giao công nghệ cho chúng ta. Tuy nhiên, các nhà sản xuất điện tử, xe máy, ôtô… đến rồi bỏ đi ngay khi các hàng rào bảo hộ thuế quan bị dỡ bỏ mà không hề có chuyển giao công nghệ như chúng ta chờ đợi. Năm 2018, xuất khẩu điện thoại di động và linh phụ kiện đạt khoảng 49 tỷ USD. Nhưng giá trị phần đóng góp bởi doanh nghiệp nội chỉ khoảng trung bình 2 USD/sản phẩm. Chiếc xe du lịch thương hiệu Việt đầu tiên sắp ra đời bằng vốn và sức lao động của người Việt nhưng hoàn toàn bằng công nghệ, máy móc nước ngoài từ các khâu kỹ thuật tới quản lý. Những chiếc xe, điện thoại kể trên đều là những sản phẩm có giá trị thương mại cao, tạo công ăn việc làm và đóng góp cho ngân sách. Nhưng không thể nhìn vào kim ngạch thương mại và dòng chữ "made in Vietnam" để tự hào rằng đó là những sản phẩm Việt.

Những thành công của bóng đá Việt Nam gần đây là thành quả bền bỉ đầu tư chiều sâu thông qua xã hội hóa, đầu tư cho công tác đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp. Bài học từ bóng đá gợi cho thấy con đường trở thành một nước công nghiệp phát triển phải được hoạch định dựa trên việc khai phá các tiềm năng tri thức, sáng tạo của xã hội để làm chủ khoa học công nghệ. Các sản phẩm "made in Vietnam" giúp chúng ta có công ăn việc làm, thoát nghèo. Để thành ông chủ và gia nhập câu lạc bộ các nền kinh tế phát triển chúng ta cần nhiều sản phẩm chất lượng "made by Vietnam".

Một thời gian dài, chúng ta đã đánh đồng hai khái niệm "made in Vietnam" và "made by Vietnam". Hoặc cũng có thể các nhà quản lý cố tình nhầm lẫn nhằm tìm một thành công dễ dãi trong việc tạo ra những sản phẩm công nghệ "made in Vietnam".

 

Chi Mai

 

www.congthuong.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ