SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quy chuẩn của các thị trường khó tính, rào cản lớn cho nông, thủy sản Việt

[05/08/2019 10:48]

Thiếu sự phối hợp đồng bộ với nguồn cung là người nông dân nên sản phẩm nông sản sau khi thu mua từ nông dân thường không đạt tiêu chuẩn về chất lượng cũng như quy cách sản phẩm để xuất khẩu sang những thị trường khó tính.

Hệ thống sản xuất manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra đang được xem là rào cản của thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Xuất khẩu đến nay đã sụt giảm hơn 20% kim ngạch. Nguyên nhân được giới phân tích chỉ rõ là từ tháng 6/2019, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải bằng đường chính ngạch cũng như tuân thủ các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, việc xuất khẩu gạo vào thị trường này không thể là ngoại lệ nên chịu ảnh hưởng ít nhiều.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, chỉ số tiêu dùng thủy sản tại thị trường EU tăng cao hơn hẳn so với thịt, do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang ăn thủy sản nhiều hơn trong bữa ăn hằng ngày.

Với EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia; thu hút đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm.

EU cũng cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả khi Hiệp định có hiệu lực. Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%.

Như vậy, mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về rau quả chưa có FTA.

EU luôn được nhìn nhận là thị trường xuất khẩu lớn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn vệ sinh kiểm dịch động thực vật với nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, như phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn được quy định trong Luật Thực phẩm, Luật Thú y, quy định bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, quy định về chất độc hại, dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu…

Ngoài ra, thị trường này cũng quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố liên quan như mức độ thân thiện môi trường của sản phẩm, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.

Nếu như trước đây thị trường Trung Quốc khá cởi mở trong nhập khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng bắt đầu từ 2018, thị trường này ngày càng đòi hỏi nghiêm ngặt hàng nông, thủy sản phải bảo đảm chất lượng, đúng kích cỡ, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất được nguồn gốc.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP, không phải dễ dàng mà con cá tra Việt Nam thâm nhập được thị trường Trung Quốc nếu như trước đó doanh nghiệp không nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm khắt khe của thị trường Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản.

Việc Trung Quốc đặt nhiều rào cản kỹ thuật sẽ giúp giảm thiểu việc xuất khẩu tiểu ngạch, vốn bị ảnh hưởng bởi việc thương lái thu gom sản phẩm từ con cá tra đến trái thanh long chất lượng thấp, bán giá rẻ sang Trung Quốc khiến thương hiệu có thể bị đe dọa.

Bên cạnh đó, Trung Quốc liên tục áp đặt các tiêu chuẩn chất lượng cho hàng nông, thủy sản Việt Nam, chẳng hạn, khi doanh nghiệp làm thủ tục thông quan trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc phải cung cấp hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Hoa hoặc tiếng Anh để truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp còn có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng đáp ứng quy chuẩn của các nước nhập khẩu khó tính thì các doanh nghiệp Việt Nam hay bất kỳ ở quốc gia nào muốn gia nhập “sân chơi” chung cần phải đáp ứng.

Bảo Anh

www.vietq.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ