SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của phân hữu cơ vi sinh từ nguồn bùn thải bia, thủy sản lê sinh trưởng và năng suất cây đậu bắp

[17/08/2019 12:04]

Để đánh giá hiệu quả của của phân hữu cơ vi sinh (HCVS) được sản xuất từ bùn thải bia và bùn thải thủy sản phối trộn với bã bùn mía lên năng suất đậu bắp (Abelmoschus esculentus Moench), nghiên cứu được thực hiện trong 3 tháng tại xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Ảnh: Internet

Ở Việt Nam lượng bùn thải từ nước thải nhà máy sản xuất bia đạt khoảng 6 triệu tấn/năm và lượng bùn thải từ thủy sản nhà máy chế biến thủy sản là 313.170 tấn/năm. Trong đó, một phần lượng bùn thải này được tái chế làm thức ăn cho gia cầm (Westendorf and Wohlt, 2002; Zerai et al., 2008), làm phân hữu cơ (Kanagachandran and Jayaratne, 2006), làm giá thể nhân vi sinh vật có lợi để sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (Rebah et al., 2002). Phần lớn lượng bùn thải này được chất thành đống hoặc được thải ra môi trường với lượng lớn. Điều này đã làm mất diện tích đất, mất mỹ quan và lây truyền bệnh do việc để tồn đọng lượng lớn bùn thải có khả năng lưu tồn nhóm vi sinh vật gây bệnh và kim loại nặng trong bùn thải. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đất, nước và sức khỏe cộng đồng (Saviozzi et al., 1994; Thomas and Rahman, 2006). Việc tái sử dụng nguồn bùn thải này làm phân hón hữu cơ vi sinh cho cây trồng giúp cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng đồng th ời làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương và cộng tác viên (2017a,b) cho thấy bùn thải bia và bùn thải th ủy sản có thể được ủ phối trộn với bùn mía để sản xuất phân hữu cơ vi sinh đạt tiêu chuẩn theo TCN 526/2002/BNNPTNT. Vì thế, mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả của phân hữu cơ vi sinh sản xuất từ bùn thải bia và thủy sản lên năng suất cây đậu bắp để đánh giá khả năng sử dụng các nguồn bùn thải này trong sản xuất nông nghiệp.

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Mỹ Hoa, Đỗ Thị Xuân của Trường Đại học Đồng Tháp và Trường Đại học Cần Thơ thực hiện trên ruộng trồng màu của nông dân tại xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017.

Sáu nghiệm thức được bố trí dạng khối hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm: NT1: Bón NPK theo nông dân (208 N - 105 P2O5 - 90 K2O) (Đối chứng); NT2: Bón NPK theo khuyến cáo (NPK KC) (140 N - 90 P2O5 - 90K2O); NT3: Bón NPK KC + 5 tấn/ha PHCVS bùn bia; NT4: Bón 2/3 NPK KC + 5 tấn/ha PHCVS bùn bia; NT5: Bón NPKKC + 5 tấn/ha PHCVS bùn thủy sản; và NT6: Bón 2/3 NPK KC + 5 tấn/ha PHCVS bùn thủy sản. Kết quả bón kết hợp 5 tấn/ha phân hữu cơ vi sinh từ bùn thải bia và bùn thải thủy sản với NPK KC (140 N - 90 P2O5 - 90 K2O) cho thấy: Chiều dài quả 11,92 cm và 11,24 cm, đường kính quả 1,71 cm và 1,69 cm và năng suất quả 9,1 và 9,94 tấn/ha lần lượt so với chỉ bón NPK/ha theo nông dân (208 N - 105 P2O 5 - 90 K2O) là 9,37 cm, 1,52 cm và 5,62 tấn/ha.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam số 02/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ