SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Bạch Mai, 2012 – 2017

[17/09/2019 14:31]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hoài, Phạm Minh Tuấn, Trần Bá Hiếu, Đặng Việt Phong, Phạm Mạnh Hùng, Dương Đức Hùng - Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, Phạm Nguyên Sơn - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Đỗ Doãn Lợi - Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện.

 Ảnh minh họa.

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (VNTMNK) là tình trạng nhiễm trùng và viêm các van tim hoặc nội mạc tim, có thể do vi khuẩn, nấm, do virus hoặc do Ricketsia... Các tổn thương thường gặp là sùi, thủng lá van, áp-xe, thuyên tắc mạch, phình mạch hình nấm… Đây là một bệnh nặng, có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Thống kê toàn cầu năm 2010 cho thấy VNTMNK làm mất đi tổng số 1,58 triệu năm sống khoẻ mạnh do tử vong và do hậu quả của suy tim, suy thận, đột quỵ não, sốc nhiễm khuẩn… Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, VNTMNK chủ yếu gặp trên các bệnh nhân có bệnh van tim do thấp. Ở các nước phát triển, VNTMNK chủ yếu gặp ở những người bị thoái hóa van tim, những bệnh nhân có van nhân tạo hoặc thiết bị cấy ghép, một số bệnh nhân tim bẩm sinh, bệnh nhân có tiêm chích ma tuý. Việc tìm hiểu đặc điểm lâm sàng, các yếu tố nguy cơ, vi khuẩn gây bệnh cũng như các biến chứng, hậu quả của VNTMNK là rất quan trọng.

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, các yếu tố nguy cơ, các vi khuẩn gây bệnh ở các bệnh nhân (BN) viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (VNTMNK) được điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2012 đến năm 2017. Nghiên cứu mô tả, hồi cứu trên toàn bộ hồ sơ BN được chẩn đoán VNTMNK nằm điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ tháng 01/01/2012 đến 30/9/2017. Mã bệnh được quy định theo bảng phân loại quốc tế về bệnh tật ICD-10 (International Classification of Disease).

Kết quả nghiên cứu do thấy, 292 BN được chẩn đoán VNTMNK được nhập viện hoặc chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai để điều trị, chẩn đoán theo tiêu chuẩn Duke sửa đổi, trong đó có 194 nam (66,4%) và 98 nữ (33,6%), tuổi trung bình 46,6 ± 16.4 (từ 16 đến 83 tuổi). Sốt kéo dài trên 2 tuần (125 BN, 42,81%), suy tim NYHA ≥2 chiếm 55.5%. Tiền sử bệnh van tim 57 BN (19,52%), bệnh tim bẩm sinh (6,85%), van nhân tạo chiếm 8,22%. Nhiễm trùng răng miệng trước đó là 5 BN (1.74%), 1 BN nhiễm trùng da (0,34%), có 17 BN (5,82%) nghiện ma túy trong đó có 15 BN tiêm chích ma túy (5,14%), 2 BN hít ma túy, 26 BN có tiền sử phẫu thuật (8,9%). 133 BN (45,5%) được chuyển đến từ các bệnh viện địa phương lân cận. Có 26,03% BN được sử dụng kháng sinh trước đó. Cấy máu được tiến hành trong vòng 24 giờ sau khi bệnh nhân vào viện, kết quả cấy máu 70,55% âm tính, dương tính là 29,45%. Có 268 trường hợp (91,78%) BN viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trên van tim tự nhiên, có 24 BN (8,22%) có viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trên nền có van tim nhân tạo từ trước, van cơ học 15 (5,14%), van sinh học 9 (3,08%). 135 (46,2%) có sùi các van tự nhiên. Các tổn thương hở van các mức độ từ vừa đến nặng ở van động mạch chủ (10,9%), van hai lá (25,1%), van ba lá (6,74%), van động mạch phổi (1,9%) và 3% ổn thương phối hợp nhiều van. Biến chứng nặng trong các tổn thương van là đứt dây chằng cột cơ là 11 BN (4,12%), và áp-xe vòng van hai lá là 2 BN (0.68%), áp-xe gốc động mạch chủ 1 BN (0,34%). Kết quả phân lập vi khuẩn trong máu bệnh nhân cho thấy tụ cầu vàng Staphylococcus aureus đứng hàng đầu (15 BN 17.4%), kế tiếp là liên cầu với 2 chủng hay gặp nhất là Streptococcus sanguinis 10 BN (11.6%) và S. viridian 9 BN (10.5%), ngoài ra là các chủng liên cầu và tụ cầu khác và 6 ca nhiễm nấm chủng Candida. Thời gian điều trị trung bình là 22 ± 18 ngày. 14 BN (4.79%) bị biến chứng đột quỵ, bao gồm: nhồi máu não 7 bệnh nhân (2.40%), xuất huyết não 3 bệnh nhân (1.03%), xuất huyết dưới nhện 4 bệnh nhân(1.37%). 2 BN (0.68%) tử vong trong viện. 19 BN (6.51%) được phẫu thuật tim mở. 100% được làm siêu âm tim qua thực quản. Chỉ có 14 BN (4,79%) được làm siêu âm tim qua thành ngực. 292 bệnh nhân VNTMNK được điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai từ 01/01/2012 đến 30/9/2017. Đa số BN là nam giới. Các bệnh lý tim mạch đã mắc trước đó thường là các bệnh van tim. Triệu chứng sốt kéo dài là triệu chứng hay gặp nhất. Suy tim chiếm tỷ lệ khá cao. Chủng vi khuẩn hay gặp nhất trong nhóm bệnh nhân này là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) và liên cầu (Streptococci). Tỷ lệ cấy máu âm tính cao. Tỷ lệ được dùng siêu âm tim qua thực quản để đánh giá các tổn thương cấu trúc tim còn thấp.

Tạp chí Tim mạch học Việt nam, số 87/2019 (tnttrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ