SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo- Nền tảng triển khai thành công Đề án đô thị thông minh

[27/09/2019 10:18]

Những kết quả của hội thảo là cơ sở quan trọng để TP. Hồ Chí Minh xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2019-2025, là nền tảng triển khai thành công Đề án đô thị thông minh…

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, phát biểu khai mạc hội thảo.

Thông tin được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh trong Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho TP. Hồ Chí Minh”, diễn ra sáng ngày 25/9.

Việc ứng dụng AI vào sản xuất, đời sống còn chậm

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, hội thảo nhằm mục tiêu thực hiện chương trình “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2025”. Đồng thời, giúp thành phố (TP) tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về kết quả nghiên cứu AI, tìm con đường ngắn nhất để ứng dụng AI trên diện rộng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Những kết quả của hội thảo là cơ sở quan trọng để TP. Hồ Chí Minh xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập trung tâm AI trong thời gian tới...

“Với vai trò là một đô thị đặc biệt, trung tâm nhiều mặt của cả nước, cửa ngõ của hội nhập, từ năm 2015, TP đã đưa các dự án ứng dụng AI vào chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất với mức cho vay mỗi dự án 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2017, TP đã tích hợp ứng dụng AI để xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng như một trong những hạt nhân để phát triển TP CMCN 4.0 và nền tảng triển khai thành công đề án Đô thị thông minh” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Hơn 400 đại biểu là các các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng AI tham dự hội thảo.

TP. Hồ Chí Minh đang từng bước trở mình trở thành một siêu đô thị, lãnh đạo TP mong muốn đem đến cho người dân những tiện ích mới, trong đó AI là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thành Phong, việc ứng dụng AI của TP. Hồ Chí Minh vào sản xuất, đời sống còn chậm, thậm chí còn kém so với các đô thị trên thế giới. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nguồn lực chưa sẵn sàng đón nhận cuộc CMCN 4.0 là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển ứng dụng AI trên địa bàn TP.

Do đó, tại hội nghị, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh mong muốn cùng trao đổi, lắng nghe góp ý, hiến kế, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng AI.

AI là nền tảng triển khai thành công đề án đô thị thông minh

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng AI đã trình bày các mô hình nghiên cứu, ứng dụng AI của thế giới. Đồng thời, đề xuất các cam kết hỗ trợ, khai thác ứng dụng AI cho TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực y tế, giáo dục, vận tải và các vấn đề liên quan đến trận tự, an ninh… Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế cũng đưa ra những khuyến cáo cho TP. Hồ Chí Minh khi xây dựng Chương trình phát triển AI.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm phát triển IA tại hội thảo.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), những vấn đề căn bản mà TP. Hồ Chí Minh hiện đang gặp phải không phải là mới. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đang càng làm trầm trọng thêm những mối quan ngại về giao thông, tình trạng ngập lụt, chất lượng môi trường cũng như những bất cập về cơ sở hạ tầng…

Ông Ousmane Dione nhìn nhận, TP. Hồ Chí Minh đang tìm cách cải thiện dịch vụ công, quy trình hoạch định chính sách và thu hút đầu tư... Trong đó có mục tiêu hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số và trung tâm đổi mới của khu vực, thậm chí trên toàn cầu. AI có thể là giải pháp cho một số thách thức này nếu có môi trường thuận lợi và phù hợp. Các doanh nghiệp (DN) và TP thông minh sẽ có cơ hội thành công nếu biết cách nắm bắt AI.

Doanh nghiệp trình diễn nghiên cứu, ứng dụng AI bên lễ hội thảo.

“Có 3 yếu tố chính đảm bảo thành công của AI cho TP. Hồ Chí Minh: Trước tiên, cần đặt kỳ vọng một cách rõ ràng và thực tế về các lĩnh vực và cách thức áp dụng AI như thế nào cho TP. Tiếp theo là đảm bảo môi trường thuận lợi cho AI thành công trên thực tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề truy cập và tích hợp dữ liệu cần thiết để giải quyết các thách thức của TP. Cuối cùng, cần đảm bảo rằng chúng ta hiểu và quản lý mọi rủi ro chính liên quan đến AI” - ông Ousmane Dione đề xuất.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sau hội thảo này TP sẽ đúc kết đưa ra những quyết sách để hoàn thiện Chương trình phát triển AI của TP. Lãnh đạo TP luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP. Hồ Chí Minh, lời giải cho bài toán kết nối trong đô thị thông minh.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân: Bước vào cách mạng công nghệ 4.0 thì không thể không nghiên cứu ứng dụng AI và TP. Hồ Chí Minh sẽ dành ưu tiên thúc đẩy AI. Với dân số khoảng 13 triệu người, thị trường tại chỗ, nguồn lực kinh tế mạnh là những thuận lợi để hình thành và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhằm ứng dụng vào thực tiễn.

Minh Khuê

https://congthuong.vn (tnttrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ