SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu quả từ các dự án nông thôn miền núi được thực hiện tại tỉnh Quảng Ngãi

[06/11/2019 15:21]

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ thực hiện một số dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi. Kết quả thực hiện các dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mô hình nuôi dê lai

Các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi được triển khai tại Quảng Ngãi trong thời gian qua đã giúp chuyển giao thành công nhiều tiến bộ KH&CN đến người dân, được chính quyền địa phương quan tâm và người dân hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Kết quả thực hiện các dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho địa phương.

Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và phát triển nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi tại xã Sơn Mùa và Sơn Bua, huyện Sơn Tây” (do Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây chủ trì) đã chuyển giao thành công nhiều mô hình đến người dân, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt.

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi lợn hướng nạc hàng hóa quy mô trang trại gia đình từ chăn nuôi đến giết mổ tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi” do UBND huyện Sơn Tịnh chủ trì. Dự án đã xây dựng thành công 14 mô hình chăn nuôi hỗn hợp lợn nái sinh sản và thịt theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại hộ gia đình (mỗi mô hình/hộ gồm 10 con nái, 160 heo thịt) để sản xuất lợn hàng hóa. Mô hình đạt các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật dự án đề ra, đem lại hiệu quả kinh tế bình quân cho các hộ trong thời gian thực hiện dự án là gần 200 triệu đồng, bình quân lãi hơn 130 triệu đồng/hộ/năm. Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng thành công mô hình cơ sở gieo tinh nhân tạo theo quy trình ghép phối trong sản xuất lợn thương phẩm; mô hình cơ sở giết mổ lợn tập trung theo hướng công nghiệp; mô hình cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và đậm đặc từ nguồn nguyên liệu sẵn có đã giúp địa phương chủ động nguồn tinh cho phối giống, thức ăn cho chăn nuôi và cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dự án “Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi dê lai trên địa bàn vùng núi huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi” do Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ chủ trì. Dự án đã tổ chức tập huấn cho 150 lượt nông dân trực tiếp thực hiện dự án và nông dân trong vùng dự án nắm vững được quy trình kỹ thuật nuôi dê lai thâm canh; đào tạo được 10 kỹ thuật viên cơ sở và chuyển giao thành công 6 quy trình công nghệ nuôi dê lai cho các hộ dân tham gia dự án.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất tỏi ở huyện Lý Sơn theo hướng bền vững” (do Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn chủ trì) đã chuyển giao thành công các tiến bộ KH&CN đến người dân sản xuất tỏi ở Lý Sơn, giúp đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường tốt hơn so với sản xuất truyền thống.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển cây ăn quả hàng hóa tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi” do UBND huyện Nghĩa Hành chủ trì. Dự án đã đào tạo được 12 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho 600 lượt người dân về kỹ thuật thâm canh 3 loại cây ăn quả (sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm); chuyển giao 6 quy trình kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp 3 loại cây ăn quả cho các hộ dân tham gia dự án; hoàn thành trồng 45 ha cây ăn quả (15 ha sầu riêng, 15 ha bưởi da xanh và 15 ha chôm chôm Java) trên địa bàn 12 xã của huyện Nghĩa Hành, với trên 300 hộ dân tham gia.

Với những kết quả đạt được, dự án đã khẳng định sự đóng góp hiệu quả của KH&CN trong việc tăng năng suất, chất lượng cây ăn quả, giảm chi phí sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân trên địa bàn huyện...

Các dự án nông thôn miền núi được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường thiết thực cho địa phương. Đến nay, nhiều dự án sau khi kết thúc thực hiện vẫn được duy trì, tuy nhiên về phát triển nhân rộng còn hạn chế, nguyên nhân là do thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm chưa đúng mức của các cấp chính quyền địa phương. Để duy trì và nhân rộng kết quả các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, thiết nghĩ cần nghiên cứu ban hành lại các quy định về quản lý của Chương trình để phù hợp với thực tế hiện nay, đặc biệt cần có cơ chế hỗ trợ thích hợp để phát triển nhân rộng kết quả sau khi dự án kết thúc thực hiện.

Bài viết được tóm tắt từ bài bài viết của tác giả Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ngãi.

Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam số 5 năm 2019 (trang 39-41)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ