SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bacillus có tiềm năng probiotic từ ruột gà

[15/11/2019 09:42]

Nghiên cứu do hai tác giả Nguyễn Thị Lâm Đoàn và Nguyễn Hoàng Anh thuộc Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Trong quá trình chăn nuôi gia cầm, đặc biệt ở quy mô công nghiệp, kháng sinh đóng vai trò quan trọng không chỉ trong phòng trị bệnh mà còn được sử dụng như chất kích thích sinh trưởng của vật nuôi. Tuy nhiên, tình hình làm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đã dẫn đến sự kháng thuốc của các loại vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc kháng sinh trong thực phẩm đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chế phẩm probiotic đang được đánh giá như một giải pháp thay thế hiệu quả và cung cấp một phương thức an toàn bền vững đối với vật nuôi và người tiêu dùng.

Bacillus là nhóm vi khuẩn được sử dụng phổ biến làm probiotic vì Bacillus có khả năng cạnh tranh với các vi khuẩn gây bệnh qua cơ chế ngăn cản miễn dịch, cạnh tranh vị trí bám dính và sản sinh ra chất kháng khuẩn (bacteriocins) hoặc các chất kháng khuẩn giống bacteriocins như lipopeptides có thể tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh. Các loài thuộc chi Bacillus từng được sử dụng làm probiotic, được nghiên cứu sâu rộng nhất là Bacillus subtilis, Bacillus clausii, Bacillus coagulans Bacillus licheniformis.

Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)

Mục đích của nghiên cứu này là sàng lọc được chủng vi khuẩn thuộc chi Bacillus có tiềm năng probiotic nhằm sản xuất chế phẩm ứng dụng trong chăn nuôi gia cầm. Bằng các phương pháp xác định một số đặc tính probiotic như khả năng chịu axit, chịu muối mật, sinh enzyme ngoại bào, kháng khuẩn gây bệnh, bám dính trên biểu mô ruột gà.

Kết quả cho thấy trong 60 chủng vi khuẩn thuộc chi Bacillus phân lập từ ruột gà đã tuyển chọn được 3 chủng RGB6.11, RGB7.1, RGB8.8 có tiềm năng probiotic tốt với các đặc điểm như: khả năng chịu axit trong khoảng 1,0-3,0 sau 3 h nuôi cấy; chịu được nồng độ muối mật 0,3% sau 4 h nuôi cấy DOD620nm >0,44; sinh hai enzyme ngoại bào amylase và cellulase cao với vòng phân giải cơ chất từ 13-21 mm; kháng hai vi khuẩn gây bệnh Salmonella TyphimuriumEscherichia coli đường kính vòng kháng khuẩn 9-14 mm; khả năng bám dính trên biểu mô ruột gà tốt.

Ngoài ra, nghiên cứu đã xác định được khoảng nhiệt độ nuôi cấy thích hợp của 3 chủng này là 30-40oC và pH 6,5-7,0. Ba chủng Bacillus. spp này là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu xác định loài và tạo chế phẩm probiotic ứng dụng vào chăn nuôi gia cầm.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 7/2018
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ