SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Minh tinh Hollywood sáng chế công nghệ WiFi

[15/01/2020 09:16]

Hedy Lamarr, nữ minh tinh Hollywood người Mỹ gốc Áo, từng được mệnh danh là “người phụ nữ đẹp nhất thế giới” và đóng hơn 30 bộ phim. Tuy nhiên, cô cũng là một nhà phát minh tài năng khi sáng chế ra kỹ thuật nhảy tần số sóng vô tuyến, đặt nền móng cho sự ra đời của công nghệ kết nối không dây WiFi.

Hedy Lamarr

Đa số những người đam mê phim Hollywood cổ điển đều biết đến nữ diễn viên xinh đẹp Hedy Lamarr thông qua vai diễn xuất sắc của cô trong các bộ phim như Algiers (1938), H.M. Pulham Esq. (1941), Ziegfeld Girl (1941), Samson and Delilah (1949), và nhiều tác phẩm điện ảnh khác. Tuy nhiên, nữ diễn viên này cũng đóng góp một phần không nhỏ cho công nghệ thời chiến khi sáng chế ra dạng sơ khai của công nghệ truyền thông trải phổ, trong đó một tín hiệu được truyền trên dải thông [độ rộng băng tần] lớn hơn nhiều so với tần số của thông tin gốc. Đây chính là cách thức hoạt động của mạng kết nối không dây WiFi ngày nay.

Hedy Lamarr, tên khai sinh là Hedwig Eva Maria Kiesler, sinh ra ở Vienna (Áo) vào ngày 9 tháng 11 năm 1914. Lamarr học múa ba lê và piano khi còn nhỏ, sau đó theo học tại một trường diễn xuất nổi tiếng ở Berlin do đạo diễn Max Reinhardt đứng đầu. Cô bỏ học giữa chừng để làm trợ lý sản xuất cho Reinhardt và tham gia một số vai phụ trong hai bộ phim Đức trước khi đóng vai chính trong một bộ phim của Tiệp Khắc tên là Ecstasy. Bộ phim này ngay lập tức gây sốc cho những khán giả đương thời bởi vì xuất hiện cảnh quay Lamarr khỏa thân trên màn ảnh.

Trước khi tròn 20 tuổi, Lamarr kết hôn với Friedrich Mandl, một thương gia buôn vũ khí ở Vienna chuyên bán đạn dược và sản xuất máy bay quân sự. Mandl cấm cô tiếp tục theo nghề diễn viên. Thay vào đó, cô thường xuyên có mặt trong những cuộc họp kinh doanh của chồng và chủ trì các bữa tiệc xa hoa tại nhà với sự tham gia của nhiều khách mời nổi tiếng, bao gồm hai trùm phát xít Adolf Hitler và Benito Mussolini. Kết quả là cô sở hữu rất nhiều kiến thức về công nghệ quân sự mặc dù không được đào tạo chính quy, trong đó đáng chú nhất là ngư lôi dẫn đường và vũ khí điều khiển bằng sóng vô tuyến.

Do thất vọng với cuộc sống hôn nhân – đặc biệt là hành vi kiểm soát của chồng, cũng như phải hợp tác làm ăn với các nhà tư bản công nghiệp của Đức Quốc xã – Lamarr cải trang thành một người giúp việc và trốn thoát đến Paris (Pháp) vào năm 1937. Sau khi ly hôn với Mandl, cô lập gia đình thêm năm lần nữa nhưng các cuộc hôn nhân đều đổ vỡ.

Trong một lần tới London (Anh), Lamarr tình cờ gặp mặt Louis B. Mayer, chủ tịch hãng phim danh tiếng Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) của Mỹ. Nhận ra vẻ đẹp và tài năng diễn xuất của Lamarr, Mayer ngay lập tức ký hợp đồng và trao cho cô vai nữ chính trong phim Algiers (1938). Khi bộ phim này chuẩn bị được công chiếu, hãng MGM lập ra một chiến dịch quảng bá quy mô lớn với khẩu hiệu “Hedy Lamarr là người phụ nữ đẹp nhất thế giới”.

Chỉ trong vòng vài năm, Lamarr vươn lên trở thành minh tinh hạng A được MGM tích cực lăng xê. Cô đóng cặp với hầu hết những nam diễn viên tên tuổi nhất Hollywood thời bấy giờ như Clark Gable, Spencer Tracy, James Stewart và John Garfield. “Lamarr đẹp đến nỗi tất cả mọi người sẽ ngừng nói chuyện khi cô bước vào phòng”, George Sanders, một trong những bạn diễn của Lamarr, cho biết.

Tuy nhiên, Lamarr không chỉ là một diễn viên đẹp, cô ấy còn là một nhà sáng chế tài năng. Những ngày không phải đóng phim, cô thức rất khuya để mày mò, sáng chế. “Tôi không cố tìm ý tưởng. Chúng cứ tự nhiên đến với tôi”, Lamarr chia sẻ. Một trong số ít người biết đến khả năng sáng chế của Lamarr là ông trùm hàng không Howard Hughes. Dựa trên hình dạng cơ thể của những loài chim, cá nhanh nhất trong tự nhiên, Lamarr đã hỗ trợ Hughes cải tiến thiết kế đôi cánh máy bay để tăng tốc độ. Ngoài ra, nữ diễn viên cũng từng nghiên cứu cải thiện hệ thống đèn giao thông và chế ra viên sủi hòa tan trong nước để tạo ra nước có ga.

Khi cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai nổ ra vào năm 1939, Lamarr muốn tìm cách giúp đỡ quân Đồng minh chống lại phe phát xít. Vào lúc đó, ngư lôi của phe Đồng Minh đang áp dụng hình thức điều khiển bằng sóng vô tuyến trên một tần số duy nhất. Điều này khiến quân địch chỉ cần dò trúng tần số là sẽ dễ dàng chặn được đường đi của ngư lôi. Mùa hè năm 1940, Lamarr cùng cộng sự George Antheil [một nhà soạn nhạc có cùng niềm đam mê phát minh như Lamarr] đã phát triển một thiết bị có khả năng dẫn đường ngư lôi đến mục tiêu bằng tín hiệu radio có khả năng “nhảy” giữa 88 tần số khác nhau, nhờ đó ngư lôi không bị gây nhiễu và theo dõi. Họ mô phỏng thiết bị dựa trên cơ chế hoạt động của đàn piano chơi tự động, và con số 88 cũng là số lượng phím đàn piano tiêu chuẩn.

Theo tạp chí Smithsonian, Lamarr và Antheil được trao bằng sáng chế số US2292387A cho hệ thống nhảy tần số vào năm 1942, nhưng họ đã tặng nó cho Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, hải quân không mấy quan tâm đến thiết kế này, bởi vì đây là công nghệ rất khó thực hiện, đồng thời hải quân vào thời điểm đó không đón nhận các sáng chế từ bên ngoài quân đội. Mãi đến năm 1962, sáng chế của Lamarr mới được Mỹ ứng dụng lần đầu tiên trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Không lâu sau, ý tưởng về kỹ thuật nhảy tần số và truyền thông trải phổ của Lamarr được áp dụng phổ biến trong hệ thống thông tin liên lạc, trở thành nền tảng của những phương thức kết nối không dây như WiFi ngày nay.


“Tôi nghĩ rằng trí thông minh có sức lôi cuốn người khác hơn vẻ bề ngoài”, Hedy Lamarr nói về khát khao muốn trở thành một nhà khoa học, dù được người đương thời mệnh danh là người phụ nữ đẹp nhất thế giới.


Do bằng sáng chế của Lamarr hết hạn trước khi được đem ra sử dụng rộng rãi nên cô không nhận được một đồng nào từ ý tưởng của mình. Phải đến lúc gần cuối đời, tài năng công nghệ của cô mới được nhiều người biết đến. Cô được nhận giải thưởng “Người tiên phong” (Pioneer) của Tổ chức Electronic Frontier Foundation (EFF) vào năm 1998.

Năm 2000, Lamarr qua đời tại nhà riêng ở Casselberry, Florida (Mỹ) do suy tim. Năm 2014, nữ diễn viên vinh dự được ghi tên vào Hội trường Danh vọng Các nhà phát minh Quốc gia Mỹ (NIHF). Để tưởng nhớ đến công lao của Lamarr, Google từng để hình đại diện của cô dưới dạng một bức vẽ doodle trên trang chủ tìm kiếm vào ngày 9/11/2015 [nhân dịp ngày sinh nhật của Lamarr].

Năm 2017, đạo diễn Alexandra Dean ra mắt công chúng bộ phim tài liệu “Bombshell: The Hedy Lamarr Story” kể về cuộc đời của Lamarr. Trong phim, khán giả được lắng nghe những cuộc phỏng vấn với các người con của nữ minh tinh. Người xem cũng được thấy lại hành trình sự nghiệp của cô từ quê hương Vienna (Áo) tới Los Angeles (Mỹ).

Quốc Lê

http://khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ