SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao đang điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch năm 2017

[15/04/2020 16:10]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Đỗ Phúc Như Nguyện - Viện Y tế Công cộng TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Lâm Vương, Ngô Thanh Bình - Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây nên, là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Việt Nam vẫn xếp thứ 16 trong số 30 quốc gia có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới. Tổ chức Y tế thế giới ước tính Việt Nam có khoảng 128.000 ca bệnh lao mỗi năm (137/100.000 dân). Bệnh lao đã đặt ra một số vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống (CLCS) của người mắc bệnh như gánh nặng về kinh tế, quá trình điều trị kéo dài, sự kỳ thị trong cộng đồng từ đó gây cản trở việc tuân thủ điều trị và chất lượng điều trị lao. Nhiều bộ công cụ đã được nghiên cứu và áp dụng nhằm đánh giá tác động của bệnh liên quan đến sức khỏe như SF-36, WHOQoL-BREF, EQ 5D, SGRQ, BDQ, DUKE, PSE trong đó, SF-36 là bảng câu hỏi được sử dụng phổ biến nhất đối với bệnh lao. Tại Việt Nam, bảng câu hỏi SF-36 đã được sử dụng để đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân trên nhiều tình trạng bệnh mãn tính như Lupus, bệnh mạch vành, suy thận mạn, bệnh suy tim, bệnh tăng huyết áp, bệnh loét dạ dày tá tràng, bệnh ung thư, xơ cơ nguyên phát... nhưng chưa có nghiên cứu về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao bằng bảng câu hỏi SF-36.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác định điểm số chất lượng cuộc sống và các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao bằng bảng câu hỏi SF-36.

Nghiên cứu cắt ngang trên 246 bệnh nhân lao đến khám và điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được đánh giá thông qua bảng câu hỏi SF-36. Một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được gợi ý bằng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân là 62±20 điểm, phần lớn bệnh nhân có chất lượng cuộc sống trung bình (63,4%), sức khỏe thể chất có điểm số cao hơn sức khỏe tinh thần. Một số yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê (p<0,05) đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao bao gồm tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp (nghỉ hưu/nội trợ, thất nghiệp), thời gian điều trị, bệnh nhân có bệnh mãn tính kèm theo và bệnh nhân có chẩn đoán là lao kháng thuốc. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao tương đối thấp, đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Việc đánh giá giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao cần được mở rộng và nghiên cứu cụ thể hơn trên từng nhóm đối tượng để có thể đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao một cách toàn diện.

ctngoc

Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ