SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát khả năng phân giải bào tử nấm Linh Chi đỏ (Ganoderma lucidum) bằng các vi khuẩn phân lập từ các chế phẩm men tiêu hóa

[14/05/2020 15:21]

Nghiên cứu do hai tác giả Nguyễn Trung Hiếu (Khoa Công nghệ Sinh học, Đại học Nguyễn Tất Thành) và Lê Thị Thùy Trang (Chi cục Thủy Sản thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nấm Linh Chi có nhiều công dụng quí như: kiện não, bảo vệ gan, giải độc, giải cảm, hoạt hóa hệ thống miễn dịch, ức chế tế bào ung thư và trẻ hóa da nhờ sự hiện diện của nhiều chất có hoạt tính sinh học; đặc biệt là polysaccharide (giàu b-glucan), triterpenoid, tannin, steroid, saponin… Các hoạt chất này chủ yếu có trong quả thể nấm, khi hình thành bào tử hoạt chất được đóng gói và tích lũy trong bào tử cao hơn quả thể nấm. Các nghiên cứu cho thấy, trong bào tử có hầu hết các chất có hoạt tính giống trong quả thể nấm và hoạt tính của chúng cao hơn nhiều lần so với quả thể nấm.

Để thu được lượng hoạt chất tối đa trong bào tử các nghiên cứu thường tập trung vào việc làm tăng hiệu quả chiết hoạt chất bằng các phương pháp nghiền cơ học với máy nghiền li tâm tốc độ cao, chiết hoạt chất kết hợp dùng sóng siêu âm, phá bào tử bằng CO2 siêu tới hạn. Tuy nhiên, các phương pháp này thường tốn nhiều dung môi, sử dụng các thiết bị đặc biệt. Nhiệt sinh ra từ phương pháp nghiền đôi khi làm ảnh hưởng đến các chất có hoạt tính, dùng sóng siêu âm và áp suất cao thì lượng bào tử bị phá vỡ không nhiều, giá thành cao. Một nghiên cứu về lên men bào tử nấm Linh Chi bằng Lactobacillus plantarum cho thấy chủng này có khả năng phân giải vỏ bào tử nấm hiệu quả, không tốn nhiều chi phí và trang thiết bị. Nghiên cứu cho thấy chỉ sau 3 ngày đã có hiện tượng vỡ bào tử khi kết hợp với phương pháp sấy, sau 5 ngày lên men với L. plantarum và sấy thì hầu hết các bào tử đều bị hủy khi quan sát dưới kính hiển vi điện tử. Kết quả này cho thấy nhiều triển vọng có thể sử dụng chủng vi khuẩn có lợi để làm tăng hiệu quả phóng thích hoạt chất từ bào tử, có thể sử dụng bào tử đã làm yếu cấu trúc mà không cần phải tách vi khuẩn sau lên men.

Hình minh họa: Linh Chi đỏ (Nguồn: sưu tầm)

Nghiên cứu tiến hành phân lập và sàng lọc các chủng vi khuẩn từ sữa chua và men vi sinh có khả năng làm yếu cấu trúc và tăng phóng thích triterpenoid từ bào tử nấm Linh Chi đỏ (Ganoderma lucidum).

Kết quả cho thấy có 4 chủng L. plantarum, L. casei, L. acidophilusB. subtilis đều có khả năng làm yếu cấu trúc và tăng phóng thích triterpenoid từ bào tử nấm sống sau 3-7 ngày lên men và hiệu quả đạt được cao hơn khi lên men với bào tử nấm đã hấp trong cùng điều kiện. Đặc biệt, chủng L. caseiL. acidophilus cho hiệu quả phóng thích triterpenoid cao hơn khi lên men bào tử nấm sống. Chủng B. subtilis lại cho hiệu quả phóng thích cao nhất khi lên men với bào tử nấm đã hấp. Khi đánh giá sự ảnh hưởng một số điều kiện nuôi cấy và chiết xuất lên độ bền cấu trúc triterpenoid và polysaccharide, kết quả cho thấy polysaccharide bền trong 4 loại dung môi nước, acid (HCl 0,01M), base (NaOH 0,01M), và dịch men sống B. subtilisL. plantarum ở nhiệt độ ủ 30-90oC và 120oC (môi trường nước) trong 0-60 phút; kém ổn định trong môi trường acid và base ở nhiệt độ 120oC. Triterpenoid ổn định ở nhiệt độ 30-90oC (thời gian ủ 0-60 phút) trong dịch men sống vi B. subilisL. plantarum, và nhiệt độ 30oC (thời gian ủ 0-60 phút), 60oC (thời gian ủ 0-40 phút) trong cồn 96o; kém ổn định trong cồn 96o ở nhiệt độ 60oC (thời gian ủ 60 phút) và 90oC.

ctngoc

Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Nguyễn Tất Thành Số 6 năm 2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ