SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tìm hiểu đặc điểm hình thái giải phẫu xương rồng lê gai Opuntia ficus indica (L.) Mill. ở Việt Nam

[15/05/2020 15:21]

Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Thị Cẩm Duyên - Khoa Dược Đại Học Nguyễn Tất Thành thực hiện.

Xương rồng là cây thân thảo lâu năm, thân mọng nước, có lá tiêu giảm hoặc không có lá ở cây trưởng thành, một số trường hợp lá biến đổi thành vẩy hoặc thành gai để đáp ứng với điều kiện môi trường. Gai mọc từ núm (areole) là một trong những đặc điểm để phân biệt một họ xương rồng với các họ khác. Có khoảng 2-80 gai trên một núm, mỗi gai dài khoảng 0,2-2,5 cm, nhỏ, cứng và nhọn, có dạng thẳng, cong hoặc hình móc câu. Hầu hết các nhà khoa học cho rằng gai có nguồn gốc từ lá, ngoài chức năng giảm sự thoát hơi nước để giúp cây có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt của môi trường, gai còn có chức năng bảo vệ chống lại sự xâm hại của động vật.

Opuntia ficus-indica là loài xương rồng có ít hoặc không có gai, quang hợp CAM, khí khẩu mở vào ban đêm để hấp thu CO2 và đóng vào ban ngày để tăng hiệu quả sử dụng nước (giảm sự thoát hơi nước từ khí khẩu vào ban ngày). Chúng cũng được trồng ở nhiều vùng, châu Úc và Tây Nam Hoa Kì. Opuntia ficus-indica được trồng cho quả hay làm rau. Các sản phẩm rau của O. ficus-indica có mặt ở nhiều thị trường địa phương và quốc tế. Các công dụng khác của O. ficus-indica là làm chất kết dính và là tác nhân chống thấm cho gạch chưa nung. Các đặc tính về dược liệu của O. ficus-indica đã được đề cập từ rất sớm vào khoảng năm 1552. O. ficus-indica được trồng từ thời tiền đại Colombia như là một cây kí chủ cho rệp son (Dactylopius ccocus) và cho sản xuất chất nhuộm màu tím, đỏ sáng có giá trị.

Hình minh họa: cây xương rồng lê gai (Nguồn: internet)

Opuntia ficus-indica chứa một lượng lớn acid ascorbic, vitamin E, carotenoid, chất xơ, amino acid và các hợp chất chống oxi hóa (phenol, flavonoid, betaxanthin vàbetacyanin). Đây là các chất có lợi cho sức khỏe, có khả năng làm hạ đường huyết, hạ lipid máu và đặc tính chống oxi hóa. Bên cạnh đó, xương rồng lê gai cũng dồi dào vitamin và khoáng chất  đáng kể nhất là quả chứa nhiều chất dinh dưỡng cũng như chất chống viêm loét dạ dày, chống oxi hóa, chống ung thư, bảo vệ thần kinh, bảo vệ gan và chống khối u.

Ở Việt Nam, Opuntia ficus-indica nhập cư từ Mexico được nghiên cứu và trồng thử nghiệm tại Ninh Thuận, Bình Thuận. Đây là loài sinh trưởng nhanh và rất thích hợp với điều kiện đất khô hạn, ít dinh dưỡng, lại có độ che phủ cao, góp phần cải tạo đất, chống xói mòn.

Đặc điểm hình thái giải phẫu Opuntia ficus-indica ở Việt Nam và trên thế giới vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, đó lại là những đặc điểm hỗ trợ cho việc lựa chọn các phương pháp nhân giống phù hợp và tìm hiểu các cơ chế sinh lí giúp xương rồng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cây Opuntia ficus-indica ưa sáng, chịu nóng và chịu hạn. Rễ chính phát triển đâm sâu, rễ bên phân nhánh lan rộng. Thân mọng nước dự trữ nước cho cây, mang nhiều núm không có gai, lá nhỏ rụng sớm. Rễ nhiều, màu nâu sẫm, lan rộng trong lòng đất.

Trong thân, rải rác trong mô mềm vỏ có các tế bào có kích thước lớn gồm các tế bào hình tròn hoặc hình bầu dục có chức năng dự trữ nước. Lá biến thành gai hoặc tiêu giảm làm hạn chế sự thoát hơi nước.

Thân cây sớm phát triển có cấu tạo cấp 2, thuộc lớp Ngọc Lan (Magnoliopsida), cấu tạo giải phẫu gồm 2 vùng: Vùng vỏ có biểu bì với lớp cutin, mô dày tròn, mô mềm vỏ có chứa nhiều tinh thể canxi oxalate hình cầu gai; Vùng mô dẫn có kiểu hậu thể gián đoạn.

Rễ cây sớm phát triển cấu tạo cấp 2, vỏ mỏng không có nội bì, vùng tủy chiếm phần lớn, gỗ 2 chưa chiếm tâm, còn gỗ 1 và mô mềm tủy.

ctngoc

Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Nguyễn Tất Thành, Số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ