SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá khả năng gây chết tế bào theo chương trình của bài thuốc lá đu đủ và bạch hoa xà thiệt thảo thu thập tại tỉnh Sóc Trăng trên dòng tế bào ung thư

[18/05/2020 08:36]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Thị Bình Minh, Bùi Chí Bảo, Trịnh Thị Diệu Thường - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Khổng Lê Trường Giang - Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới có tỉ lệ ung thư ngày càng tăng (theo WHO). Tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010. Năm 2018, số ca ung thư mắc mới tăng lên khoảng 165.000 ca/96,5 triệu dân. Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100 000 dân. Do đó, việc nghiên cứu để tìm kiếm phương thuốc điều trị hoặc hỗ trợ điều trị ung thư là rất cần thiết. Tại tỉnh Sóc Trăng, người dân bằng kinh nghiệm vẫn sử dụng bài thuốc kết hợp lá Đu đủ và Bạch hoa xà thiệt thảo để hỗ trợ điều trị ung thư. Lá Đu đủ có chứa quercetin, Bạch hoa xà thiệt thảo có chứa methylanthraquinon. Theo nhiều nghiên cứu, quercetin và methylanthraquinon có khả năng gây chết các tế bào ung thư thông qua cơ chế chết theo chương trình. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào về bài thuốc này trong điều trị ung thư tại tỉnh Sóc Trăng. Vì vậy, nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu khảo sát khả năng kháng ung thư của bài thuốc lá Đu đủ và Bạch hoa xà thiệt thảo tại Sóc Trăng.

Đối tượng nghiên cứu là cao chiết nước của bài thuốc lá Đu đủ và Bạch hoa xà thiệt thảo thu thập được trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Dòng tế bào: Tế bào ung thư vú người MDA-MB 231 (ATCC), Tế bào u nguyên bào thần kinh SKN-DZ (được cung cấp bởi tiến sĩ Akira Nakagawa). Phương pháp dòng chảy tế bào (Flow cytometry - BD FACS Canto II). Các dược liệu được thu hái tại Sóc Trăng, vào tháng 10/2015, người thu hái là ông Võ Văn Thành Niệm. Giai đoạn 1 Chiết dược liệu bằng nước cất theo nguyên tắc như sau: Bộ phận dùng: Đu đủ dùng lá, Bạch hoa xà thiệt thảo dùng toàn cây. Sau khi thu hái, dược liệu được rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Cân dược liệu khô theo tỷ lệ lá Đu đủ: Bạch hoa xà thiệt thảo = 2:3, tổng khối lượng bài thuốc là 2 kg. Xay thô dược liệu. Cho nước ngập mặt dược liệu. Sắc (chiết nóng) nước bằng nồi inox. Thời gian nấu: Nấu trong 6 giờ (2 lần). Giai đoạn 2 Cô cao thuốc: Lọc dịch chiết bằng bông gòn qua phễu. Cô cách thủy dịch chiết. Thu được cao thuốc nồng độ 150 µg/ml. Giai đoạn 3 Bảo quản cao thuốc ở nhiệt độ 40oC. Dòng tế bào Tế bào ung thư vú người MDA-MB 231. (ATCC), tế bào u nguyên bào thần kinh SKN-DZ (được cung cấp bởi tiến sĩ Akira Nakagawa). Phương pháp dòng chảy tế bào (Flow cytometry) Giúp phát hiện apoptosis. Flow cytometry là kỹ thuật có khả năng đo được các đặc tính huỳnh quang và quang học của một tế bào đơn hoặc các hạt như vi sinh vật, nhân và nhiễm sắc thể được chuẩn bị trong dung dịch lỏng khi chúng đi qua một nguồn sáng. Quy trình thực hiện Tế bào được cấy lên đĩa 6 giếng với mật độ 3x105 tế bào/ml. Xử lý tế bào ở nhiều nồng độ và ủ ở tủ ủ tế bào trong 24 giờ. Xử lý Trypsin và thu cắn. Đếm tế bào với mật độ 106 tế bào/ml. Lấy thế tích có 106 tế bào thêm PBS lạnh. Cắn được phân tán trong 1 ml Binding buffer 1X. Chuyển 100 ul dung dịchvào ống nuôi cấy 5 ml. Nhuộm tế bào với hóa chất cho kiểm tra apoptosis (5 ul PE Annexin V và 5 μl 7-AAD). Vortex tế bào và ủ trong vòng 15 phút trong bóng tối ở nhiệt độ phòng với hóa chất kiểm tra apoptosis. Thêm 400 μl Binding buffer 1X vào từng ống trước khi kiểm tra với máy BD FACS Canto II.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng nồng độ thuốc pha loãng theo tỷ lệ 1/2 (75 µg/ml) và 1 (150 µg/ml) thì số lượng tế bào ung thư vú bị apoptosis khác biệt có ý nghĩa thống kê so với lô chứng. Kết hợp cao chiết lá Đu đủ và Bạch hoa xà thiệt thảo pha loãng theo tỷ lệ 1/5 (30 µg/ml) và Retinoic acid (RA) cho thấy chỉ tạo cụm ngày thứ 2, ngày thứ 7 và ngày thứ 10 tế bào tách ra và biệt hoá. So sánh các marker OCT4 và SOX2 giữa nhóm tế bào RA và nhóm kết hợp RA với cao chiết lá Đu đủ và Bạch hoa xà thiệt thảo cho thấy có sự giảm biểu hiện OCT4 và SOX2 có ý nghĩa thống kê. Đặc tính cao chiết của bài thuốc lá Đu đủ và Bạch hoa xà thiệt thảo là sử dụng nồng độ pha loãng theo tỷ lệ 1/2 (75 µg/ml) đủ gây chết apoptosis trên dòng tế bào ung thư vú. Nếu sử dụng nồng độ pha loãng theo tỷ lệ 1/5 (30 µg/ml) kết hợp với retionic acid đủ tác động đến sự biệt hóa tế bào ung thư kháng RA (tế bào SKN-DZ).

ctngoc

Tạp chí Y học TP.Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài