SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả điều tra xác định thành phần sâu bệnh hại chính trên bưởi đỏ Hòa Bình (Citrus grandis L.) trồng tại Hà Nội

[21/05/2020 08:15]

Nghiên cứu do các tác gải Đào Kim Thoa, Nguyễn Văn Dũng, Đào Quang Nghị, Võ Văn Thắng, Đinh Thị Vân Lan – Viện Nghiên cứu Rau quả thực hiện.

Đối với cây có múi chung và bưởi (Citrus grandis L.) nói riêng có khá nhiều loại sâu bệnh hại, đặc biệt có những bệnh rất nguy hiểm gây hủy diệt hàng loạt như bệnh tristeza, greening. Ở Nhật Bản đã ghi nhận 240 loại côn trùng và nhện hại trên cây cam quýt, tại 14 tỉnh miền Nam Trung Quốc như nhận 489 loại chân khớp gây hại trên cam, Đài Loan có 167 loài, Malaysia có 174 loài, trong khu vực Thái Bình Dương (Trần Thiên Bình, 2002). Ở Austrailia cũng đã ghi nhận 131 loài côn trùng và nhện hại trên cam quýt (Dan Smith và cs., 1997).

Ở nước ta, đã ghi nhận những loại sâu bệnh gây hại trên cây có múi. Trong đó các loại sâu hại quan trọng là sâu vẽ bùa, sâu đục thân, đục cành, ruồi đục quả, ngài chích quả và nhện (Vũ KHác NHượng, 1993; Crop protection Compendium; Module 1, CABI). Các loại bệnh hại chính là greening, tristeza, loét, bệnh sẹo, thán thư… Tại đồng bằng sông Cửu Long có 61 loại sâu và nhện hại cây có múi (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2000). Tại Hà Giang đã phát hiện 66 loại sâu hại thuộc 8 bộ, 30 họ, trong đó có sâu vẽ bùa (Phyllosnistis citrella), nhện đỏ (Panonychus citri), rầy chổng cánh (Diaphorina citri), ruồi đục quả hại chính (Trần Thị Bình, 2002).

Ở Hà Nội, cây bưởi đã và đang là cây có hiệu quả kinh tế, nông dân nhiều địa phương đưa vào trồng trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, ngoài cây bưởi Diễn còn nhiều giống bưởi khác đang phát triển nhiều nhằm đa dạng hóa và rải vụ thu hoạch như  bưởi đường Quế Dương, bưởi La tinh,… trong đó giống bưởi đỏ Hòa Bình cũng đang được nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây trên địa bàn Hà Nội cũng đã xuất hiện những yếu tố mới bất thường về các vấn đề ra hoa, đậu quả, đặc biệt có những loại đối tượng sâu bệnh hại phat sinh.

Việc điều tra xác định thành phần sâu bệnh hại chính trên bưởi đỏ Hòa Bình trồng tại Hà Nội là  bước đi ban đầu không thể thiếu, làm cơ sở nghiên cứu các kỹ thuật phòng trừ, góp phần phát triển cây bưởi đỏ Hòa Bình tại Hà Nội một cách bền vững. Đối tượng của nghiên cứu là cây bưởi đỏ Hòa Bình được trồng tại Hà Nội; các loài sâu bệnh xuất hiện trên cây bưởi đỏ tại Hà Nội.

Qua thời gian thực hiện, kết quả điều tra năm 2018 trên giống bưởi đỏ Hòa Bình trồng tại Gia Lâm và Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, đã phát hiện được 10 loài sâu và nhện gây hại, 3 loại bệnh và 4 loài thiên địch. Trong đó, sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citriella), nhện đỏ (Panonychus citri), bệnh loét (Xanthomonas campestris pv. citri) và bệnh chảy gôm (Phytophthora spp.) là những đối tượng sâu bệnh gây hại chủ yếu trên giống bưởi đỏ Hòa Bình.

 

Vân Anh

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số 24/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ