SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Lưu giữ in vitro nguồn gen khoai sọ trong điều kiện sinh trưởng chậm

[24/05/2020 10:28]

Lưu giữ in vitro cây khoai sọ có vai trò quan trọng trong việc duy trì giống và cũng có nhiều ưu điểm so với phương pháp truyền thống. Mục đích của nghiên cứu này là tối ưu hóa việc bảo quản khoai sọ trong điều kiện sinh trưởng chậm.

Ảnh: Internet

Khoai môn sọ [Colocasia esculenta (L) Schott] là cây trồng lấy củ quan trọng, có giá trị dinh dưỡng cao và tiềm năng kinh tế lớn, được trồng ở hầu hết các vùng sinh thái của Việt Nam. Trong tự nhiên, cây khoai sọ được phát triển từ thân củ và thường được bảo tồn theo tập đoàn trên đồng ruộng. Tuy nhiên, bảo tồn theo phương pháp truyền thống này gặp rất nhiều khó khăn do chịu tác động của nhiều nhân tố như sâu bệnh, điều kiện thực địa, sự biến đổi khí hậu... dẫn đến tình trạng thoái hóa giống và tăng nguy cơ thất thoát nguồn gen. Hiện nay, phương pháp nuôi cấy mô được xem là một công cụ quan trọng để nhân giống sạch bệnh, bảo quản dài hạn nguồn gen đối với những cây nhân giống vô tính như khoai môn - sọ, đặc biệt là những nguồn gen miền núi hoặc các dạng khó lưu giữ trên đồng ruộng (Nguyễn Thị Ngọc Huệ và ctv., 2004; Nguyen Thi Ngoc Hue et al., 2010). Bảo tồn in vitrođặc biệt quan trọng trong việc nhân giống, lưu giữ đối với các loài sinh sản vô tính và mang lại những lợi thế riêng biệt: giúp duy trì các nguồn gen sạch bệnh; có khả năng nhân nhanh các nguồn gen quý hiếm, có lợi cho nghiên cứu và sản xuất; thuận lợi khi trao đổi nguồn gen...Nhiều nguồn gen khoai sọ địa phương đang được nông dân lưu giữ và gieo trồng thể hiện tính ưu việt về khả năng thích nghi cao với điều kiện sinh thái khó khăn, có chất lượng. Trung tâm Tài nguyên thực vật đã nghiên cứu và đánh giá, phát hiện nhiều mẫu giống khoai sọ địa phương có chất lượng cao và có tiềm năng năng suất, trong đó có nguồn gen Khoai sọ rừng, nguồn gốc tại Bắc Giang. Xuất phát từ những yêu cầu thực tế trên, nghiên cứu lưu giữ in vitro trong điều kiện sinh trưởng chậm nhằm tối ưu hóa việc bảo tồn sự đa dạng di truyền của tập đoàn nguồn gen khoai môn sọ tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia được tiến hành.

Nghiên cứu do nhóm tác giả Hoàng Thị Huệ, Lã Tuấn Nghĩa,Nguyễn Thị Mỹ Châu, Nguyễn Hoài Thu, Trần Thị Thùy Dương của Trung tâm Tài nguyên thực vật thực hiện từ năm 2015 đến 2017 tại Bộ môn Đa dạng Sinh học nông nghiệp, Trung tâm Tài nguyên thực vật - An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Nghiên cứu cho thấy, điều kiện lưu giữ in vitro dạng chồi cây khoai sọ phù hợp nhất vừa làm chậm sinh trưởng, kéo dài thời gian cấy chuyển, vừa đảm bảo trạng thái sinh trưởng cây tốt. MS + 10 g/l Mannitol + 6 g/l agar + 30 g/l saccharose, điều kiện nhiệt độ 25oC ± 2, thời gian chiếu sáng 8 h/ngày với cường độ 2.000 - 2.500 lux, độ ẩm 50 - 70%; hoặc MS + 10 g/l Mannitol + 6g/l agar + 30g/l saccharose, điều kiện nhiệt độ 10oC ± 1, thời gian chiếu sáng 8 h/ngày với cường độ 2.000 - 2.500 lux, độ ẩm 50 - 70%.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2019
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ