SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát các dòng ngô đường và đánh giá ưu thế lai của các tổ hợp lai

[30/05/2020 09:32]

Ngô đường (Zea mays var. saccharata) là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, hàm lượng đường cao, giàu protein, chất béo, vitamin và các nguyên tố vi lượng.

Ảnh minh họa

Nhiều nước trên thế giới đã phát triển trồng ngô đường phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đem lại nguồn thu lớn đóng góp trong thu nhập kinh tế quốc dân như Mỹ, Hungari, Đức, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan. Chính những giá trị dinh dưỡng, kinh tế của ngô đường đã thu hút các quốc gia tập trung nghiên cứu chọn tạo giống, kỹ thuật trồng trọt và chế biến ngô đường. Công tác chọn tạo giống ngô đường trên thế giới đạt được những thành tựu to lớn trong nâng cao năng suất, chất lượng và chống chịu. Ở Việt Nam, ngô đường mới thực sự được nghiên cứu trong những năm đầu thế kỷ 21. Do vậy, những thành tựu chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác và chế biến còn hạn chế. Trong sản xuất hiện nay, các giống ngô đường lai F1 chủ yếu được nhập nội, không chủ động được nguồn giống, giá thành hạt giống cao khoảng 700.000 đồng/kg hạt giống làm tăng chi phí cho người sản xuất (Lê Quý Kha, 2006). Việc nghiên cứu chọn tạo giống ngô đường ưu thế lai trong nước sẽ tạo ra những giống ngô đường có khả năng thích nghi cao với điều kiện Việt Nam, góp phần làm giảm giá thành hạt giống, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Nhằm mục đích lai tạo thêm nhiều giống ngô đường phục vụ cho sản xuất, thí nghiệm khảo sát 18 dòng ngô đường và đánh giá ưu thế lai một số đặc tính nông học của 10 tổ hợp lai tại Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện nhằm chọn ra dòng ngô đường tốt về sinh trưởng, năng suất (> 14 tấn/ha), hạt màu vàng, lá bi màu xanh đậm và phẩm chất (brix > 12%). Xác định ưu thế lai của các tổ hợp ngô đường lai mới so với giống đối chứng, từ đó chọn ra tổ hợp lai F1 có triển vọng.

Nghiên cứu do Nhóm tác giả gồm: Dương Thị Hoàng Vân, Nguyễn Tuyết Nhung Tường, Nguyễn Phương (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) Nghiên cứu được thực hiện trong 2 vụ, từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2018 tại Trại thực nghiệm Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.

Vật liệu nghiên cứu gồm 18 dòng ngô đường (N1, N2, N3, N4, N5, N6, N7, N8, N9, N10, N11, N12, N13, N14, C247, K60, R111, P) có nguồn gốc từ Thái Lan được trồng và rút dòng đến đời S7 tại trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Mười tổ hợp lai ngô đường được lai tạo bằng phương pháp lai luân phiên theo Griffing (1956, phương pháp IV) từ 5 dòng ngô đường tự phối (K60, N1, N4, N5, N7 và R111). Giống Sugar 77 do công ty Syngenta nhập khẩu và phân phối được sử dụng làm giống đối chứng cho thí nghiệm đánh giá 10 tổ hợp lai.

Nghên cứu tiến hành đánh giá sinh trưởng và phát triển 18 dòng ngô đường tự phối đời S7 vụ Xuân Hè 2018, đồng thời chọn lọc cá thể và lai luân phiên. Thí nghiệm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của 10 tổ hợp lai ngô đường F1 được lai tạo bằng phương pháp lai luân phiên theo Griffing (1956, phương pháp IV) từ 5 dòng chọn lọc ở vụ Xuân Hè 2018. Cả hai thí nghiệm được trồng tại trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, được bố trí theo kiểu khối đầy đủ ngẫu nhiên, một yếu tố, với 3 lần lặp lại. Diện tích ô thí nghiệm: 5 m ˟ 2,8 m = 14 m2 . Mỗi ô thí nghiệm trồng 4 hàng. Khoảng cách trồng: 70 ˟ 25 cm. Quy trình chăm sóc, bón phân và các chỉ tiêu theo dõi, đánh giá dựa trên Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-56:2011/BNNPTNT về Khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống ngô (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2011).

Chỉ tiêu về hình thái và thời gian thu hoạch: Số lá, diện tích lá, chiều cao cây, chiều cao đóng bắp, đường kính thân, độ che phủ lá bi, ngày thu hoạch bắp tươi và các chỉ tiêu về hình thái bắp. Chỉ tiêu về yếu tố cấu thành năng suất, năng suất và phẩm chất: Chiều dài bắp, chiều dài đóng hạt, đường kính bắp, khối lượng bắp, số hàng hạt, màu sắc hạt, độ giòn hạt, mùi thơm, độ brix hạt và năng suất bắp tươi. Các tính trạng được áp dụng chỉ số chọn lọc (Selection index) nhằm chọn dòng ưu tú là: Năng suất thực thu, độ Brix hạt, khối lượng bắp có lá bi, độ bọc kín lá bi, chiều cao cây, màu sắc hạt, chiều cao hạt, màu sắc lá bi.

Kết quả khảo sát 18 dòng ngô đường đã chọn được 5 dòng K60, R111, N1, N4 và N5 sử dụng làm vật liệu để tạo giống ngô đường lai có hiệu quả. Năng suất tươi của 5 dòng được chọn đạt từ 14,2 - 16,8 tấn/ha, độ Brix từ 12,5 - 13,9% và nhiều đặt tính tốt khác. Qua đánh giá các tổ hợp lai luân phiên của 5 dòng triển vọng đã xác định được 2 tổ hợp lai (R111/N1 và R111/N4) có thời gian sinh trưởng ngắn, sinh trưởng khỏe, năng suất cao, độ Brix cao, mẫu mã hình thức đẹp phục vụ cho thử nghiệm trong sản xuất.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 3(100)/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ