SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá khả năng kết hợp của một số dòng ngô ngắn ngày triển vọng bằng phương pháp lai đỉnh

[30/05/2020 09:44]

Cây ngô (Zea mays L.) là một trong những cây ngũ cốc quan trọng trên thế giới, diện tích đứng thứ 3 sau lúa mì và lúa nước, sản lượng đứng thứ 2 và năng suất cao nhất trong các cây ngũ cốc (FAOSTAT, 2015).

Ảnh minh họa

Cho đến nay, ngô lai chiếm trên 95% diện tích gieo trồng ngô cả nước. Các giống ngô lai trên thị trường phục vụ sản xuất cả nước hiện nay chủ yếu là giống nhập từ các công ty giống nước ngoài như Syngenta, Mosanto, Pioneer… với giá bán cao gấp 1,5 đến 2,0 lần giá giống trong nước làm tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh tế và không chủ động trong việc cung ứng giống cho người sản xuất. Từ nhiều năm nay, Viện Nghiên cứu Ngô đã chú trọng đẩy mạnh công tác chọn tạo giống ngô lai phục vụ sản xuất đặc biệt cho các vùng sinh thái khác nhau. Cây ngô được đánh giá là cây trồng có vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu cây trồng ở nước ta với sản lượng đạt khoảng 5,13 triệu trong năm 2017. Tuy nhiên, sản lượng ngô chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu ngô nội địa chủ yếu sử dụng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 12 năm 2018, cả nước đã nhập khẩu 10,18 triệu tấn, trị giá 2.119 triệu USD, tăng 31,8% về lượng và tăng 40,9% về trị giá so với năm 2017 (Tổng cục Hải quan, 2019). Tăng sản lượng ngô hàng năm bằng một số biện pháp như mở rộng diện tích đất canh tác, tăng vụ hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhu cầu tất yếu hiện nay đòi hỏi những nhà khoa học nhanh chóng chọn tạo, phát triển và đưa ra những bộ giống ngô chín sớm, năng suất cao phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Nghiên cứu do Nhóm tác giả gồm: Lương Thái Hà, Trần Quang Diệu, Nguyễn Xuân Thắng (Viện Nghiên cứu Ngô). Các thí nghiệm trong nghiên cứu đánh giá đặc điểm nông sinh học của các dòng và THL đỉnh được thực hiện trong vụ Xuân và vụ Thu Đông năm 2015 tại Viện Nghiên cứu Ngô, Đan Phượng - Hà Nội.

Nguyên vật liệu sử dụng trong nghiên cứu: 18 dòng ngô thế hệ S4 - S6 được chọn tạo bởi Viện nghiên cứu Ngô bằng phương pháp tự phối kết hợp sib C91, C104, C112, C120, C127, C140, C157, C174, C175, C182, C186, C194, C199, C252, C362, C369, C575, C582 có nguồn gốc từ các giống lai thương mại (ký hiệu từ D1 - D18). Hai dòng B67 và P4097 (ký hiệu T1 và T2) là hai dòng ngô ưu tú có khả năng kết hợp chung cao về năng suất được sử dụng làm đối chứng và cây thử. Tổng số 36 tổ hợp lai được tạo ra bằng phương pháp lai đỉnh giữa 18 dòng ngô với 2 cây thử. Sử dụng đối chứng là giống DK9901 đang được trồng rộng rãi ở các vùng sản xuất ngô.

Phương pháp nghiên cứu là: Đánh giá đặc điểm nông sinh học của các dòng và lai tạo tổ hợp lai đỉnh theo hướng dẫn CIMMYT và Viện Nghiên cứu Ngô. Đánh giá khảo sát 36 tổ hợp lai đỉnh được bố trí theo khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh (RCBD), 3 lần nhắc lại, mỗi THL trồng 4 hàng, chiều dài ô thí nghiệm là 5m, khoảng cách 70cm ˟ 25cm. Theo dõi các chỉ tiêu cơ bản theo quy chuẩn QCVN01-56:2011/BNNPTNT.

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các dòng trong thí nghiệm có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, ngắn ngày, trong đó 11 dòng có TGST ngắn hơn 105 ngày trong vụ Xuân. Năng suất các dòng cao đạt từ 22,7 - 43,1 tạ/ha, hai dòng cho năng suất cao nhất là D4 (43,1 tạ/ha) và D8 (41,7 tạ/ha), cao hơn có ý nghĩa đối với 2 cây thử T1 (32,9 tạ/ha) và T2 ( 34,9 tạ/ha). Các dòng D4, D7 và D8 vừa có TGST ngắn, năng suất cao và khả năng kết hợp chung cao về tính trạng năng suất có thể sử dụng làm nguồn vật liệu cho các chương trình chọn tạo giống ngô lai ngắn ngày năng suất cao. Qua thí nghiệm khảo sát đã xác định được 3 tổ hợp lai triển vọng D8 ˟ T1, D4 ˟ T2 và D7 ˟ T2 có TGST ngắn (95 ngày); năng suất cao (tương ứng 96,3; 94,7 và 92,4 tạ/ha) có thể phát triển và phù hợp những vùng ngô lai ngắn ngày, năng suất cao.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 3(100)/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ