SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân tích mối liên quan giữa bệnh ung thư và thức ăn

[08/06/2020 14:42]

Nghiên cứu do tác giả Trần Thanh Thảo - Bộ môn Sinh, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện. Nghiên cứu nhằm phân tích các cơ chế phân tử của thức ăn trong quá trình làm phát sinh và phát triển ung thư, đồng thời tổng hợp một số nhóm thức ăn có chức năng thúc đẩy hoặc ngăn ngừa ung thư.

Trong bối cảnh số lượng người tử vong vì ung thư ngày càng cao trên toàn cầu, các nghiên cứu để tìm ra giải pháp phòng ngừa ung thư ngày càng được mở rộng. Mặc dù một vài loại ung thư được phát sinh do bất thường gen được di truyền, hầu hết ung thư phát sinh do kết quả tương tác giữa kiểu gen và các yếu tố của môi trường sống, bao gồm các yếu tố vật lý, hoá học và sinh học. Trong số các yếu tố từ môi trường có khả năng gây ung thư, thực phẩm chiếm đến tỉ lệ 30%. Thực phẩm có thể xúc tác quá trình phát triển của ung thư qua ba cơ chế: di truyền biểu sinh, tổn hại DNA do phản ứng stress oxy hoá và sự phát sinh đột biến. Ngược lại, một số nhóm thực phẩm chứa các chất có hoạt tính sinh học có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các cơ chế gây ung thư trong tế bào. Bài báo này phân tích các cơ chế phân tử của thức ăn trong quá trình làm phát sinh và phát triển ung thư, đồng thời tổng hợp một số nhóm thức ăn có chức năng thúc đẩy hoặc ngăn ngừa ung thư. Từ các nghiên cứu trên, các lưu ý về lựa chọn dinh dưỡng và duy trì lối sống hợp lý trong việc phòng và tránh các nguy cơ ung thư cũng được đề nghị.

Tóm tắt ba cơ chế thực phẩm có thể gây ung thư

Ung thư là một nhóm gồm hơn 100 bệnh được đặc trưng bởi sự tăng trưởng và phân chia không thể kiểm soát của các tế bào do quá trình tổn hại DNA hay đột biến dẫn đến sai sót trong hoạt động của các gen điều khiển khả năng sinh trưởng và phân chia của tế bào, làm phát sinh khối u. Tuy nhiên, không phải tất cả các khối u đều là ung thư vì khối u đó có thể là lành tính hoặc ác tính. Khi các khối u phát triển nhanh và sinh trưởng vô hạn định, theo mạch máu hoặc mạch bạch huyết di căn vào các mô và cơ quan xung quanh, đồng thời tạo ra các enzyme tiêu huỷ mô gốc, chúng trở nên ác tính và làm phát sinh ung thư. Sự phát sinh ung thư là kết quả tương tác giữa các yếu tố di truyền của cơ thể người và các chất gây ung thư từ môi trường (carcinogen). Các chất gây ung thư có thể là các tác nhân vật lý (tia phóng xạ, tia UV), hoá học (hoá chất, khói thuốc lá, thạch tín,…) và sinh học (vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng). Theo thống kê năm 2018 từ tổ chức y tế thế giới, số ca tử vong vì ung thư lên đến 9,6 triệu trên toàn cầu. Đối với các nước nghèo và đang phát triển, tỉ lệ chết vì ung thư lên đến 70%. Tại Việt Nam, theo ghi nhận từ bệnh viện ung bướu trung ương (Bệnh viện K), tình hình ung thư gia tăng đáng kể trong vòng hai thập kỷ gần đây. Thống kê số liệu cho thấy mỗi năm Việt Nam có hơn 150.000 trường hợp mới mắc bệnh và khoảng 75.000 người tử vong vì ung thư. Ung thư hiện nay được cho là một căn bệnh có thể ngăn ngừa được, nếu như nguyên nhân của ung thư được xác định rõ. Ví dụ, virus HPV (Human papilloma virus) được xác định là tác nhân gây ra một số loại ung thư ở đường sinh dục người. Hiện tại vắc-xin chống lại virus HPV là Gardasil® và Cervarix® đã được chứng nhận có khả năng phòng ngừa được các loại ung thư bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và âm hộ ở phụ nữ, ung thư dương vật ở nam giới, ung thư hậu môn, ung thư đầu, cổ và mụn cóc sinh dục. Do đó, việc xác định các yếu tố có liên quan đến ung thư là một bước đi quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư. Các bằng chứng cho thấy rằng trong tất cả các yếu tố gây tử vong do ung thư, có khoảng 7% do chất phóng xạ và chất gây ô nhiễm môi trường, 14% - 20% do béo phì, 18% do nhiễm trùng, gần 25 - 30% là do thuốc lá, khoảng 30 – 35% có liên quan đến chế độ ăn uống. Từ năm 1981, Doll và Peto đã ước tính tỉ lệ tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ có thể giảm đến 35% nếu người bệnh biết điều chỉnh chế độ ăn và tình trạng béo phì. Tiếp theo đó, nhiều nghiên cứu lần lượt cũng chứng minh rằng các chất khác nhau trong thức ăn có liên quan đến nhiều loại bệnh ung thư.

Các nhóm thức ăn có thể xúc tác sự phát triển của ung thư theo ba cơ chế: di truyền ngoại gen, stress oxy hoá và đột biến. Mối liên quan giữa các nhóm thức ăn và ung thư đã tồn tại, trong đó sự liên quan này thể hiện theo cả hai hướng: thức ăn có thể góp phần làm tăng cường hoặc giúp ngăn ngừa ung thư. Việc tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm giàu năng lượng có nguồn gốc từ mỡ động vật, thịt đỏ, thức ăn đóng gói có chất bảo quản, thức uống có cồn,… không có lợi cho cơ thể trong việc phòng ngừa ung thư. Thức ăn bị nhiễm độc tố nấm aflatoxin làm tăng nguy cơ ung thư. Việc chế biến thức ăn ở nhiệt độ cao (chiên, xào, nướng trực tiếp trên lửa) cũng có thể làm phát sinh các chất hoặc hợp chất gây ung thư như Nnitroso, PAH, HCA. Ngược lại, khẩu phần ăn giàu lượng rau cải, trái cây và ngũ cốc dạng hạt chứa nhiều chất chống ung thư như chất xơ, carotenoid, vitamin C, vitamin E, selenium, dithiolthione, glucosinolate, indole, isothiocyanate, flavonoid, phenol, chất ức chế protease, sterol, diallyl disulfide, limonene, … Tuy nhiên, Sự phát sinh và phát triển của ung thư là hệ quả tổ hợp của nhiều yếu tố, bao gồm sự tương tác qua lại giữa các nhóm thức ăn, hình thức chế biến thức ăn (nướng, chiên, hấp,…), kiểu gen của cá thể mang bệnh, lối sống và chế độ tập luyện thể chất. Một chế độ ăn thường xuyên có bổ sung rau củ, ngũ cốc, sữa, cá, dầu thực vật và trái cây sẽ là phương thuốc hiệu quả để chống lại nhiều bệnh ung thư. Bên cạnh đó, giảm thiểu việc tiêu thụ quá thừa hàm lượng chất béo động vật, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, đồ ngọt cùng thức uống có cồn cũng là một giải pháp để giảm nguy cơ ung thư. Nhiều hợp chất gây ung thư có thể hình thành khi thịt được chế biến dạng chiên, nướng, muối bảo quản… Do đó, chế biến thực phẩm đúng cách và an toàn cũng nên được lưu ý trong việc phòng ngừa ung thư. Khẩu phần dinh dưỡng cân bằng cùng với việc duy trì một lối sống khoẻ mạnh như không hút thuốc, thường xuyên vận động cơ thể (đi bộ ít nhất 30 phút một ngày), tránh tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine (vaccine chống viêm gan B, vaccine ngăn ngừa ung thư cổ tử cung ở nữ giới,..), kiểm tra ung thư định kỳ (ung thư ruột, ung thư vú, ung thư cổ tử cung) có thể giúp mỗi người chủ động hơn trong việc ngăn ngừa và hạn chế các loại ung thư.

Lttsuong

Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ