SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng phương pháp xác định locus gen phục vụ cho công tác thử nghiệm và giám định gen ở cây lúa theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017

[21/06/2020 11:55]

Trong nghiên cứu này, phương pháp xác định 10 gen (locus gen) kháng bệnh và chống chịu bất lợi phi sinh học ở lúa đã được xây dựng cho Phòng Sinh học phân tử giám định gen thực vật theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

Ảnh: Internet

ISO/IEC 17025:2017 (International Organization for Standardization/ International Electrotechnical Commission) là phiên bản mới nhất của Tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng áp dụng riêng cho phòng thử nghiệm/hiệu chuẩn (Honsa and McIntyre, 2003). Đây là tiêu chuẩn cứng, điều kiện bắt buộc được đưa ra cho phòng thử nghiệm/hiệu chuẩn nhằm đảm bảo kết quả đo lường/thử nghiệm đạt được kết quả tin cậy nhất và được quốc tế công nhận. Vì thế, ISO/IEC 17025:2017 được xem là mục tiêu cần hướng đến và đạt được của các phòng thí nghiệm trong nước hiện nay. Ứng dụng chỉ thị phân tử trong tích hợp gen (locus gen) mục tiêu nhằm cải tiến tính trạng mong muốn của các giống lúa đại trà là cách tiếp cận tối ưu, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả chọn tạo giống (Lê Hùng Lĩnh và ctv., 2017). Từ đó, một số giống lúa cải tiến đã được ra đời, với việc tích hợp gen kháng bệnh và chống chịu bất lợi phi sinh học. Do vậy, xác định chính xác sự có mặt của gen (locus gen) mục tiêu trong dòng/giống lúa được xem là yêu cầu cấp bách trong thời gian tới. Trong nghiên cứu này, phương pháp xác định 10 gen (locus gen) mục tiêu, bao gồm ba gen kháng bệnh bạc lá xa5, Xa7 và Xa21; bốn gen kháng bệnh đạo ôn Pik-h, Piz-5, Pita-2 và Pi9(t); locus gen chịu ngập Sub1; locus gen chịu mặn Saltol và gen qui định mùi thơm fgr ở lúa được thiết lập nhằm áp dụng cho Phòng Sinh học phân tử giám định gen thực vật theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

Nghiên cứu do nhóm tác giả của Viện Di truyền Nông nghiệp, VAAS thực hiện từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2018 tại phòng Sinh học phân tử - Viện Di truyền Nông nghiệp.

Kết quả nghiên cứu đã xác định chỉ thị RM153 liên kết xa5, P3 liên kết Xa7, pTA248 liên kết Xa21, RM224 liên kết Pik-h, pB8 liên kết Pi9(t), RM527 liên kết Piz-5, RM7102 liên kết Pita-2, ART5liên kết locus gen Sub1, RM493 liên kết locus gen Saltol và BAD2 liên kết fgr phù hợp cho thử nghiệm 10 chỉ tiêu gen kháng bệnh và chống chịu bất lợi phi sinh học. Đã thiết lập được phương pháp xác định locus gen mục tiêu phục vụ thử nghiệm và giám định gen thực vật theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017. Quy trình gồm bốn bước chính, tách chiết ADN tổng số, khuếch đại gen (locus gen) bằng PCR, kiểm tra sản phẩm PCR trên gel agarose và phân tích kết quả. Kết quả phân tích 100 cá thể ngẫu nhiên cho phép đưa ra nhận định về sự có mặt/ vắng mặt của gen mục tiêu trong mẫu giống thử nghiệm và tỷ lệ cá thể mang gen (%) trong lô mẫu đưa vào thử nghiệm.

ltnhuong

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 03/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ