SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu y sinh chống Covid-19: 6 tháng nhìn lại

[09/07/2020 13:59]

Nửa năm vừa qua dường như quá dài so với bình thường bởi vì cả nhân loại phải trải qua các đợt giãn cách, cách ly, chống chọi lại một đại dịch với quá nhiều dấu hỏi. Đó cũng là 6 tháng mà các nhà khoa học tiến hành nhiều nghiên cứu Covid-19 với tốc độ kinh ngạc. Tạp chí Nature đã tổng kết lại các giải pháp y sinh học chống Covid-19 trong lộ trình đó cũng như để thấy rằng vẫn cần rất nhiều nghiên cứu mới để chống đại dịch này hiệu quả hơn.

Ảnh: Getty Images.

Xét nghiệm lâm sàng được thúc đẩy nhanh

Các xét nghiệm RT-PCR để phát hiện virus là các xét nghiệm lâm sàng có sẵn đầu tiên, mặc dù việc tăng quy mô sản xuất và tính sẵn có của chúng là một thách thức dai dẳng ở nhiều quốc gia. Những xét nghiệm tiến bộ quan trọng bao gồm sự phát triển của các quy trình dựa trên nước bọt và các quy trình khuếch đại đẳng nhiệt qua trung gian cấu trúc kẹp tóc (LAMP) để phát hiện SARS-CoV-2. Xét nghiệm huyết thanh cho SARS-CoV-2 đã được thúc đẩy sớm nhờ sự phát triển và chia sẻ thuốc thử của phòng thí nghiệm Krammer tại Mount Sinai, New York.

Một số loại thuốc không khả quan

Vào tháng 3, Covid-19 lan truyền chóng mặt đã dẫn đến việc phong tỏa trên phạm vi toàn quốc ở Ý và Tây Ban Nha. Điều này đã thúc đẩy các nỗ lực tái sử dụng thuốc. Vào ngày 22/3, WHO ra mắt Solidarity, một dự án thử nghiệm toàn cầu gồm bốn phương pháp điều trị: các RNA polymerase kháng virus remdesivir; chloroquine và hydroxychloroquine (hiện đã dừng lại); kết hợp thuốc ức chế protease virus HIV: lopinavir và ritonavir (kết quả cho đến nay đều không khuyến khích) và lopinavir-ritonavir cộng với beta interferon (đã cho thấy giảm phát tán của virus và giảm bớt các triệu chứng trong một thử nghiệm mở).

Tại thời điểm hiện nay, hai loại thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng là remdesivir và corticosteroid dexamethasone. Trong các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, remdesivir rút ngắn thời gian nằm viện, nhưng không có tác động đáng kể đến tỷ lệ tử vong; trong khi dexamethasone làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân cần sử dụng oxy bổ sung.

Niềm hi vọng vào các “ứng viên” vaccine

Đến tháng 4, các thử nghiệm trên người đã được tiến hành đối với một số ứng cử viên vaccine, bao gồm chế phẩm SARS-CoV-2 bị bất hoạt cũng như các chiến lược gần đây hơn như RNA - và các sản phẩm có nguồn gốc từ adenovirus. Kết quả ban đầu về tính an toàn và khả năng miễn dịch của một vài ứng viên trong số này khá tích cực. Hãng dược Moderna thông báo rằng vaccine RNA SARS-CoV-2 của họ đã tạo ra phản ứng kháng thể đặc hiệu trong các thử nghiệm pha I, và CanSino cũng cho thấy sự tích cực của cảm ứng kháng thể đặc hiệu bằng vaccine dựa trên adenovirus. Tiêm chủng thụ động cũng đang được theo đuổi bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm huyết tương từ người đã bình phục, huyết thanh tăng miễn dịch và sự phát triển của kháng thể đơn dòng đặc hiệu SARS-CoV-2.

Sinh bệnh học vẫn rất phức tạp?

Trong khi các tác nhân truyền nhiễm đã nhanh chóng được xác định, việc hiểu mầm bệnh Covid-19 vẫn còn khó khăn hơn nhiều. Mặc dù suy hô hấp vẫn là đặc điểm lâm sàng nghiêm trọng thường gặp nhất của Covid-19, nhưng các báo cáo đã cho thấy nhiễm SARS-COV-2 có liên quan với bệnh rối loạn đông máu và bệnh mạch máu, khiếm khuyết thần kinh (chủ yếu là mất vị giác và mùi ), bệnh thận, đột quỵ ở người trẻ tuổi, hội chứng giống như Kawasaki ở trẻ em, và một loạt các triệu chứng khác. Nguy cơ của Covid-19 rõ ràng là phân bố không đều, với độ tuổi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, và sự mẫn cảm tăng rõ rệt ở nam giới. Nghiên cứu tương quan toàn bộ nhiễm sắc thể cũng đã cho thấy mối liên hệ giữa các nhóm máu A B O với tình trạng nghiêm trọng của COVID-19, nhóm máu A làm tăng tính mẫn cảm cao, còn nhóm máu O có được sự bảo vệ vừa phải hơn. Tăng huyết áp và bệnh tiểu đường vẫn là những bệnh đi kèm ảnh hưởng nhất. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chất ức chế men chuyển angiotensin (ACE) thường được sử dụng và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II không có tác dụng tiêu cực đối với kết quả của bệnh nhân mắc Covid-19.

Khả năng về miễn dịch còn bỏ ngỏ?

Các câu hỏi cơ bản về khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2 vẫn còn bỏ ngỏ. Câu hỏi chủ yếu trong số này là mối tương quan của khả năng bảo vệ và thời gian miễn dịch. Liên kết rõ ràng nhất chỉ là kháng thể SARS-CoV-2 trong huyết thanh cao có liên quan tới mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một nghiên cứu gần đây đã tìm thấy sự giảm đáng kể nồng độ kháng thể đặc hiệu sau ba tháng. Miễn dịch tế bào T đối với SARS-CoV-2 cũng chỉ mới bắt đầu được tìm hiểu và có một số dấu hiệu cho thấy tế bào T có khả năng phản ứng miễn dịch chéo với các coronavirus khác.

Chưa rõ tác động như thế nào tới trẻ em?

Tính mẫn cảm của trẻ em đối với nhiễm SARS-CoV-2 và khả năng trẻ em có thể nhiễm và lây lan bệnh như thế nào vẫn là vấn đề chưa rõ ràng, nhất là trong bối cảnh các biện pháp đóng cửa trường học vẫn đang được thảo luận. Một nghiên cứu được công bố rộng rãi của Harvard’s Chan School of Public Health dự đoán rằng có thể cần thiết giãn cách xã hội kéo dài hoặc giãn cách không liên tục đến năm 2022, và mô hình hóa cho thấy các hiệu ứng biến đổi khí hậu theo mùa đối với lan truyền SARS-CoV-2 sẽ không đủ để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Một số nghiên cứu đang cố gắng làm sáng tỏ hiệu quả của việc phong tỏa, cách ly xã hội, sử dụng khẩu trang, theo dõi tiếp xúc và các can thiệp không dùng thuốc khác đối với Covid-19. Không còn nghi ngờ gì về sự tồn tại, thời gian và mức độ nghiêm trọng của một làn sóng dịch bệnh giả định thứ phát. Nếu khi làn sóng này đến, chúng ta sẽ phải đối mặt với nó, nhưng đã có sẵn một lượng kiến ​​thức khoa học cơ bản tốt hơn, một bộ công cụ và các cách thực hiện khác nhau, từ việc định vị tư thế nằm nghiêng của bệnh nhân cho đến các phương pháp dược lý tiên tiến. Chúng ta có cơ sở để hy vọng vào các chính sách y tế công cộng có trách nhiệm, hiệu quả.

Nguồn: Nature doi: 10.1038/d41591-020-00026-w

 

khoahocphattrien.vn (vtvanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ