SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của các giai đoạn thuần thục đến đặc tính lý hóa của hai giống cà chua bi (đỏ và đen)

[28/07/2020 08:43]

Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của thời điểm thu hoạch (26 - 32 ngày sau khi kết trái) đến chất lượng và khả năng tồn trữ của của hai giống cà chua bi (đỏ và đen).

Ảnh: Internet

Cà chua (Solanumly copersicum) được xem là vụ rau quan trọng thứ hai sau khoai tây trên toàn thế giới (Pantheen và Chen, 2010) và cung cấp giá trị dinh dưỡng quan trọng đến chế độ ăn uống của con người. Sự quan tâm đến loại thực vật này ngày càng tăng do tác dụng có lợi đến sức khỏe của chất chống oxy hóa có nguồn gốc từ cà chua (Carlsen et al., 2010; Korekar et al., 2011). Ở Việt Nam, cây cà chua được xếp vào loại rau có giá trị kinh tế cao, diện tích trồng cà chua lên đến hàng chục ngàn hecta, tập trung chủ yếu ở đồng bằng và trung du phía Bắc. Nhiều giống cà chua lai ghép chất lượng tốt được phát triển mạnh ở Đà Lạt. Nhiều nghiên cứu khoa học đã được thực hiện chứng minh lợi ích của cà chua đến sức khỏe con người (Burton-Freeman et al., 2012; Selli et al., 2014), liên quan đến giá trị dinh dưỡng và các chất có hoạt tính sinh học như carotenoids, vitamin C và phenolic của cà chua (Mordente et al., 2011), phòng chống ung thư và các bệnh tim mạch (Siracusa et al.,2011). Các thành phần này của cà chua phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố giống và các giai đoạn chín khi thu hoạch(Moneruzzaman et al., 2009). Tuy nhiên,các hoạt động sinh lý sinh hoá xảy ra liên tục trong quả ở các điều kiện tồn trữ sau thu hoạch đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Tổn thất sau thu hoạch là nguyên nhân chính dẫn đến sự tổn thất về giá trị kinh tế và chất lượng của nông sản. Thu hoạch nông sản ở độ chín thích hợp sẽ cho sản phẩm có chất lượng tốt và bảo quản trong thời gian dài. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm so sánh và đánh giá chất lượng hai giống cà chua bi đỏ và đen ở các giai đoạn thuần thục, làm cơ sở cho quá trình thu hoạch trái có chất lượng cao, phù hợp cho tiến trình tồn trữ hoặc chế biến thành phẩm sau này. Nghiên cứu do nhóm tác giả của Khoa Nông Nghiệp, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Nghiên cứu sinh ngành Công nghệ thực phẩm và sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sau thu hoạch, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện hiệm Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.

Kết quả đã xác định được thời gian thu hoạch đúng cho quá trình tồn trữ và chất lượng ăn của hai giống cà chua này. Sự thay đổi các đặc điểm lý hóa của hai giống cà chua ở các thời điểm thu hoạch được ghi nhận. Các hợp chất sinh học trong cà chua bi đen và đỏ thể hiện sự thay đổi không đồng nhất. Hàm lượng lycopene trong cà chua bi đen cao gấp 47 - 55% so với cà chua bi đỏ. Hàm lượng polyphenol tổng số (1,60 ± 0,04 mgGAE/g), hoạt tính chống oxy hóa (81,98 ± 0,11%), hàm lượng vitamin C (33,41 ± 0,88 mg%)cao và tốc độ hô hấp (1,75 ± 0,04 mL O2/kg.h) thấp khi thu hoạch cà chua bi đỏ ở thời điểm 30 ngày kể từ ngày ra trái. Cà chua bi đen thu hoạch ở ngày thứ 28 sở hữu hàm lượng polyphenol tổng số (0,604 ± 0,037 mgGAE/g), hoạt tính chống oxy hóa(75,92 ± 0,319%), hàm lượng vitamin C (34,289 ± 3,652 mg%) cao và tốc độ hô hấp thấp (1,73 ± 0,05 mLO2/kg.h). Thời gian thuần thục đúng cho quá trình thu hoạch cà chua bi đỏ và đen là 30 và 28 ngày, tương ứng.

ltnhuong

Tạp chí Khoa hoc Công nghệ Nông nghiểp Viểt Nam - Số 4/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ