SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xác định nhu cầu protein của lươn giai đoạn giống ở các mức lipid

[28/07/2020 08:54]

Nghiên cứu nhằm xác định nhu cầu protein tối ưu ở các mức lipid thích hợp trong thức ăn cho lươn (Monopterus albus) cỡ 3 - 5 g.

Ảnh: Internet

Lươn (Monopterus albus) sống tự nhiên ở ao, kênh rạch, các dòng sông lớn, trong ruộng lúa hay ở đầm lầy (Rainboth, 1996). Shafland và cộng tác viên (2010) cho rằng trong dạ dày lươn có 56% cá, 32% giáp xác và 27% côn trùng. Theo Zhou và cộng tác viên (2011), lươn được cho ăn cá tạp và thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein là 44%, lipid 8% và năng lượng là 19 MJ/kg được sử dụng để nuôi vỗ lươn bố mẹ. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, lươn đã được nghiên cứu sản xuất giống và ương từ bột lên giống. Lươn 5 ngày tuổi được ương bằng trứng nước, từ 20 ngày tuổi sử dụng trùn chỉ và từ 60 ngày tuổi trở lên cho lươn ăn cá xay kết hợp với thức ăn viên (Nguyễn Thanh Hiệu, 2015). Kết quả điều tra các hộ nuôi lươn cho thấy có 42,9% hộ sử dụng thức ăn là ốc, cá tạp và 57,1% số hộ cho lươn ăn bằng thức ăn kết hợp giữa cá tạp và thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein là 30% (Lương Quốc Bảo, 2015). Nhiều hộ nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá chình (44% protein, 8% lipid) hay cá lóc (40% protein 6% lipid) để thay thế cá tạp làm thức ăn nuôi lươn. Ma và cộng tác viên (2014) đã nghiên cứu nhu cầu protein và lipid của lươn (Monopterus albus) cỡ 65 g với kết quả lươn sử dụng thức ăn hiệu quả ở mức protein 40% và lipid 4%. Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng cho lươn giai đoạn giống. Vì thế, nghiên cứu xác định nhu cầu protein của lươn giống ở các mức lipid rất cần thiết làm cơ sở xây dựng công thức thức ăn cho lươn giống, góp phần phát triển mô hình ương nuôi lươn.

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Lam Mỹ Lan, Trần Thị Thanh Hiền và Trần Lê Cẩm Tú (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện từ tháng 11/2017 đến tháng 3/2018 tại Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.

Nhóm tác giả sử dụng vật liệu nghiên cứu là lươn giống có kích cỡ trung bình từ 3,1 - 3,3 g/con và đã sử dụng tốt thức ăn chế biến được chọn thí nghiệm. Thí nghiệm được thực hiện trong 48 bể nhựa có thể tích 60 L/bể. Nước cấp cho bể thí nghiệm được lọc tuần hoàn.

Thí nghiệm sử dụng thức ăn chế biến với 4 mức protein (35%, 40%, 45% và 50%) cùng với 3 mức lipid (6%, 9% và 12%). Mỗi nghiệm thức được lặp lại 4 lần. Thí nghiệm thực hiện trong 8 tuần. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống của lươn không bị ảnh hưởng của hàm lượng protein và lipidcũng như sự tương tác của hai nhân tố này. Tốc độ tăng trưởng của lươn, hệ số chuyển hóa thức ăn và hiệu quả sử dụng protein ảnh hưởng bởi sự tương tác của protein và lipid trong thức ăn (p < 0,05) và đạt kết quả tốt ở nghiệm thức 45% protein và 6% lipid hay 40% protein và 9%. Nhu cầu protein cho lươn giống tăng trưởng tối ưu là 44,8% ở mức lipid 6%.

ltnhuong

Tạp chí Khoa hoc Công nghệ Nông nghiểp Viểt Nam - Số 4/2019
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ