SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu nhân giống in vitro thảo quả (Amomum aromaticum Roxb.)

[31/07/2020 09:21]

Thảo quả (Amomum aromaticum Roxb.) là một loại dược liệu quý trong y học cổ truyền cũng như trong tây y. Nó cũng được sử dụng làm gia vị trong chế biến thực phẩm. Do vậy, việc nhân nhanh cây thảo quả phục vụ bảo tồn và sản xuất là rất cần thiết. Nghiên cứu được tiến hành nhằm xây dựng quy trình nhân giống in vitro cây thảo quả từ đoạn thân ngầm mang mắt ngủ.

Ảnh minh họa: Internet

Cây thảo quả còn được gọi là cây đò ho, thảo đậu khấu hay mác hấu, có tên khoa học là Amomum aromaticum Roxb., thuộc chi Sa nhân (Amomum), họ Gừng (Zingiberaceae). Cây thảo quả một trong những loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị của Việt Nam. Trong y học cổ truyền dân gian, hạt thảo quả được dùng làm thuốc chữa đau bụng, đầy chướng, nấc, nôn ọe, tiêu chảy, sốt rét, hôi miệng và sâu răng (Jafri & cs., 2001; Đỗ Tất Lợi, 2005; Verma & cs., 2010). Ngoài ra, thảo quả dược sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn như một loại gia vị (Rahmatullah & cs., 2009). Parihar & cs. (2012) đã chỉ ra rằng dịch chiết thảo quả có hoạt tính kháng khuẩn Klebsiella pneumoniae gây ra bội nhiễm ở đường hô hấp. Bên cạnh đó, dịch chiết từ thảo quả cũng tăng cường phản ứng miễn dịch đồng thời tăng số lượng đạo thực bào và tế bào lympho ở chuột. Nghiên cứu của Le & cs. (2017) đã cho thấy dầu tinh chiết từ thảo quả còn có hoạt tính kháng bệnh do nhiễm kí sinh trùng Leishmania. Những nghiên cứu này một lần nữa khẳng định giá trị của loài lâm sản này.

Với những giá trị như trên, việc nhân giống thảo quả phục vụ bảo tồn và sản xuất quy mô lớn là rất cần thiết. Hiện nay, các vùng trồng thảo quả lớn và lâu đời của Việt Nam như Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu chủ yếu nhân giống bằng hạt và bằng nhánh con của cây (Nguyễn Bá Hoạt & Nguyễn Duy Thuần, 2005). Tuy nhiên, các phương pháp này đem lại hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu vào của sản xuất. Phương pháp nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật hứa hẹn tạo ra được số lượng cây lớn trong thời gian ngắn, cây con sạch bệnh và chất lượng đồng đều hơn so với phương pháp truyền thống.

Trên thế giới, việc nhân giống in vitro đã được thực hiện trên một số loài thuộc chi Amomum như Amomum longiligulare (Rao & cs., 2003), Amomum krekrevanh (Tefera & Wannakrairej, 2004) và Amomum subulatum Roxb. (Sajina & cs., 1997; Pradhan & cs., 2014; Poudel & cs., 2018). Tại Việt Nam, phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật cũng đã được sử dụng để nhân giống một số loài thuộc chi này như cây sa nhân tím - Amomum longiligulare (Đặng Ngọc Phúc & cs., 2011), cây sa nhân thu thập tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trương Thị Bích Phượng & cs., 2017). Nghiên cứu này được thực hiện với mục đích bước đầu xây dựng qui trình nhân nhanh in vitro cây thảo quả Amomum aromaticum Roxb.

Thời gian thích hợp nhất trong năm để lấy mẫu thân ngầm mang mắt ngủ để vào mẫu thảo quả là từ tháng 4 đến tháng 6. Sử dụng HgCl2 0,1% để khử trùng trong thời gian 8 phút cho tỉ lệ mẫu sống, sạch bệnh cao nhất đạt 26,67%. Môi trường MS bổ sung 1,0 mg/L BAP là môi trường tốt nhất để tiến hành nhân nhanh chồi thảo quả in vitro với hệ số nhân chồi 4,13 chồi/mẫu và chiều cao chồi trung bình 5,4 cm sau 6 tuần nuôi cấy. Môi trường ra rễ thích hợp cho chồi thảo quả là môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/L IBA với tỉ lệ ra rễ đạt 100%, số rễ trung bình đạt 5,5 rễ/chồi và chiều dài rễ trung bình đạt 6,1 cm sau 8 tuần nuôi cấy.

nnttien

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 7/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ