SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

AIST: Yếu tố quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo Nhật Bản

[10/11/2020 10:35]

Dẫu một số phòng thí nghiệm của Viện KH&CN công nghiệp tiên tiến (AIST) đã có tuổi đời cả thế kỷ nhưng Cơ quan Công nghệ công nghiệp (ITA), tổ chức tiền thân của AIST, mới được thành lập từ năm 1948.

Lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ Đức tới thăm phòng thí nghiệm AIST nhân lễ ký kết hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản và AIST năm 2017. Nguồn: sciencesprings

Theo sau một cuộc tái cấu trúc thành công và việc thay đổi tên gọi, một phòng thí nghiệm có quy mô lớn đã được xây dựng ở Tsukuba vào năm 1980, cách Tokyo 50 km. Vào thời điểm đó, một thành phố khoa học đã được dựng lên và cho đến năm 2001, nó được sáp nhập thành một cơ quan quản trị độc lập với 15 phòng thí nghiệm đặt dưới sự bảo trợ của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).Ngày nay, nó vẫn là phòng thí nghiệm chính ở Tsukuba.

Ba sứ mệnh dẫn dắt

Nhìn tổng thể, AIST có ba sứ mệnh chính, đó là nghiên cứu và phát triển dựa trên nền tảng các công nghệ cơ bản như những tiêu chuẩn đo lường và điều tra địa chất và những công nghệ cơ bản cần thiết khác như cơ sở hạ tầng công nghệ; nghiên cứu dài dạn và chấp nhận rủi ro như năng lượng, môi trường; nghiên cứu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo bằng việc tìm kiếm trên diện rộng và hợp nhất nhiều lĩnh vực để tăng cường cạnh tranh quốc tế cũng như tạo ra ngành công nghiệp mới. Các nhiệm vụ đó liên quan đến sáu lĩnh vực: môi trường và năng lượng (số lượng nhà nghiên cứu chiếm 24%), khoa học sự sống và công nghệ sinh học (18%), công nghệ thông tin và điện tử (17%), công nghệ nano, vật liệu và sản xuất (15%), khoa học đo lường (16%), điều tra địa chất và ứng dụng khoa học địa chẩt (10%).

Theo số liệu năm 2013, tổng kinh phí của AIST là 94 tỉ yen (khoảng 850 triệu USD), trong số đó 59,1 tỉ yen là từ khoản đầu tư của chính phủ, 11,3 tỉ yen (chiếm 17%) từ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở hạ tầng và thiết bị, 23,5 tỉ yen từ những nguồn khác. Giữa các nguồn thu thì phí hợp tác nghiên cứu với ngành công nghiệp là vào khoảng 3 tỉ yen và phí nhận được từ hợp đồng nghiên cứu từ ngành công nghiệp là 810 triệu yen. Chiếm phần lớn trong số “những nguồn khác” của AIST là phí hợp đồng nghiên cứu với các bộ khác trong chính phủ.

Về số lượng nhân sự, AIST có khoảng gần 3000 nhân viên (số liệu năm 2013), trong đó hơn 2.200 là nhà nghiên cứu (gần 2000 người là làm việc chính thức). Trong quá trình hoạt động, họ cũng có thêm khoảng 4.500 nhà nghiên cứu tới làm việc từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau như ngành công nghiệp, giới học thuật, chương trình đối tác với chính phủ, chiếm ưu thế trong số này là giới học thuật và ngành công nghiệp. Với tính chất hoạt động như vậy, chủ tịch AIST thường là người xuất thân từ giới học thuật hoặc ngành công nghiệp. Giúp việc cho chủ tịch là 11 phó chủ tịch, trong đó tám người được lựa chọn từ chính bộ máy AIST, hai từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và một người từ ngành công nghiệp. Nhiều thành viên của METI cũng đảm trách một số vị trí quản lý cao cấp ở AIST.


AIST lên kế hoạch tăng gấp ba kinh phí thu được từ ngành công nghiệp, từ con số 4,6 tỉ yen giai đoạn 2013 lên 13,8 tỉ yen trong năm 2020. Dù vẫn là một con số khiêm tốn nhưng đây là một mục tiêu đầy tham vọng trong môi trường R&D của Nhật Bản.


Để phù hợp với sứ mệnh của mình, AIST thành lập ba bộ phận nghiên cứu chính, dạng bộ phận nghiên cứu thứ nhất là các viện nghiên cứu với mục tiêu tiếp tục điều hành những chiến lược dài hạn và trung hạn của AIST. Các viện nghiên cứu này cũng được AIST chờ đợi là có thể giữ vững tiềm năng công nghệ và phát triển các lĩnh vực công nghệ mới. Hiện tại họ có 22 viện nghiên cứu theo kiểu như vậy. Kiểu thứ hai của AIST là các trung tâm nghiên cứu – những tổ chức có thời gian hoạt động tương đối ngắn (thường là bảy năm) để thực hiện những mục đích hết sức rõ ràng. Những nguồn lực nghiên cứu của AIST như ngân sách và nhân sự, được ưu tiên tính toán phân bổ cho các trung tâm này. Dạng thứ ba ở AIST là các phòng thí nghiệm – những bộ phận nghiên cứu nhỏ hướng đến mục tiêu là thực hiện các dự án nghiên cứu cụ thể, đặc biệt là ở các lĩnh vực xuyên ngành. Một số phòng thí nghiệm thực hiện theo những nhu cầu trung hạn của chính phủ (tuy nhiên vào năm 2018 thì không có phòng thí nghiệm dạng này ở AIST).

Bên cạnh ba dạng bộ phận chính này, AIST còn có tám phòng thí nghiệm đặt tại các vùng với mục tiêu hỗ trợ các ngành công nghiệp địa phương – giống như cách làm của các tổ chức như Fraunhofer, SCIRO, NIST… Hiện tại họ đã tái định hướng các viện nghiên cứu theo các lĩnh vực cụ thể như sản xuất công nghệ sinh học (Trung tâm Hokkaido), xử lý vật liệu tiên tiến (Trung tâm Chubu) và kỹ thuật y tế (Trung tâm Shikoku), điều này phản ánh một cách rõ nét thế mạnh của ngành công nghiệp mỗi vùng. Vai trò của các trung tâm vùng là hỗ trợ ngành công nghiệp thông qua hợp tác với các trung tâm nghiên cứu công lập cho chính quyền địa phương thành lập.

Khởi nguồn nhiều công nghệ tiên tiến

AIST và cả người tiền nhiệm ITA đều có một lịch sử đóng góp lâu dài với đất nước. Người ta có thể thấy rõ điều này thông qua việc lật lại các hồ sơ được lập với những thông tin về kế hoạch, điều phối công việc, xúc tiến những dự án R&D ở quy mô quốc gia… Chúng thực sự là những nhân chứng quan trọng để chứng tỏ cách một cơ quan nghiên cứu được thiết lập như một trong những công cụ chính sách quan trọng của chính phủ để thực hiện những kết nối hợp tác trong nghiên cứu với các công ty, trường đại học và viện nghiên cứu công lập. Phần lớn các tổ chức nghiên cứu ở Nhật Bản đều do Bộ METI hình thành để điều phối công việc hợp tác với ngành công nghiệp qua những dự án quy mô lớn của METI. Vào năm 2014, có 63 tổ chức như vậy tồn tại và AIST là một trong số đó. Để đảm trách tốt nhiệm vụ của mình, AIST có mối gắn kết chặt chẽ với giới học thuật, ví dụ họ thân thiết với 28 trường đại học thông qua cac thỏa thuận phát triển nhiều loại công nghệ khác nhau cũng như thỏa thuận về các khóa đào tạo mà qua đó, AIST có thể gửi các nhà nghiên cứu của mình tới các trường giảng dạy đồng thời tiếp nhận sinh viên tới các phòng thí nghiệm của mình.

Sứ mệnh chính của AIST là khám phá những công nghệ thế hệ mới thông qua việc thực hiện những nghiên cứu tiên tiến. Một trường hợp được biết đến rộng rãi là AIST với một trong số các phòng thí nghiệm của mình ở Osaka đóng vai trò chính yếu trong phát triển sợi carbon. Tiến sĩ Sindo, một nhà nghiên cứu của AIST ở Viện nghiên cứu công nghệ Osaka đã khám phá ra nguyên lý cơ bản của quá trình sản xuất sợi carbon polyacrylonitrile, và sáng chế về quá trình này đã được Toray, một công ty Nhật Bản chuyên về hóa học và dệt sợi đã mua lại. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ AIST, Toray đã phát triển thành công quá trình sản xuất ở quy mô thương mại, được áp dụng để tạo ra rất nhiều sản phẩm, từ vợt tennis, cần câu cá đến các bộ phận máy bay. Hiện nay Toray là nhà sản xuất lớn khi chiếm tới 40% thị phần thế giới trong những lĩnh vực này.

Đây cũng là trường hợp điển hình về việc những nhà nghiên cứu AIST xác định lại vai trò của mình trong hệ thống đổi mới sáng tạo Nhật Bản, khi tạo ra một vật liệu với nhiều đặc tính thú vị, hữu dụng trong phòng thí nghiệm và hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao sản phẩm đó còn doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để phát triển thành quy trình sản xuất ở quy mô thương mại, dù việc đó đòi hỏi một quãng thời gian dài. Nó đem lại niềm tin để AIST có thể áp dụng cách làm này và làm việc với công ty quan tâm đến công nghệ mới, đồng thời là minh chứng cho việc cần đầu tư vào khoa học cơ bản (đi kèm với những sản phẩm hữu hình là các bài báo được xuất bản trên những tạp chí chuyên ngành). Đó cũng là lý do giải thích tại sao AIST lại có chữ “khoa học” trong tên gọi. Một khi có được thành công, công nghệ có thể được trao cho ngành công nghiệp với sự hỗ trợ về măt công nghệ của AIST. Ngày nay với sức ép từ cuộc cạnh tranh mở rộng ra thị trường toàn cầu, các công ty thường phải làm chủ các công nghệ mới nhưng họ rất khó để thực hiện các nghiên cứu dài hạn, do thường đòi hỏi năng lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, theo nhận định của AIST, vai trò của AIST trong hệ thống đổi mới sáng tạo của Nhật Bản ngày một quan trọng hơn.

Trong suốt những năm 1980 tại Nhật Bản, cuộc đàm luận về chính sách công nghệ chủ yếu tập trung vào nhu cầu cần có nhiều hơn nghiên cứu cơ bản bởi hai nguyên nhân chính: thứ nhất, có cảm giác là một giai đoạn phát triển của Nhật Bản đã kết thúc và hiện tại Nhật Bản phải tạo ra cái mới trong khi khoa học cơ bản đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó; thứ hai, va chạm thương mại với Mỹ nổ ra khi Mỹ chỉ trích Nhật Bản chỉ sử dụng công nghệ Mỹ mà không có đóng góp vào nền tảng tri thức. Do đó, các viện nghiên cứu công lập đều nhấn mạnh đến nghiên cứu cơ bản. Vào nửa cuối thập niên 1990, định hướng này lại thay đổi lần nữa. Với sự đình trệ kinh tế kéo dài, nghiên cứu “thiết thực” hơn có thể đóng góp vào việc tạo ra những lĩnh vực công nghiệp mới và công việc mới lại được chính phủ nhấn mạnh.

Thanh Nhàn

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ