SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chính sách cởi mở tạo sức bật cho nông nghiệp đô thị

[17/11/2020 10:23]

TP.HCM chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, phát triển hiệu quả và bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại. Trong những năm qua, thành phố đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ giúp người dân chuyển dịch nhanh cơ cấu nông nghiệp đô thị, nâng cao đời sống.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 52.500 hộ có hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp. Riêng khu vực nông thôn 49.473 hộ. Trong đó có 24.926 hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp (chiếm 47,39%). Theo thống kê của Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM, tính đến tháng 12/2019, thành phố có 283 tổ hợp tác nông nghiệp với 3.594 thành viên; 100 hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động lĩnh vực nông nghiệp với 2.435 thành viên, doanh thu bình quân của các HTX là 13.123 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân là 525 triệu đồng/HTX.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, HTX, doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi đầu tư vào mô hình cây - con có giá trị kinh tế cao, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, TP.HCM đã có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ về vốn, lãi vay, chuyển giao khoa học - công nghệ hiện đại ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Thành phố cũng tập trung đầu tư hỗ trợ 3 nhóm sản phẩm chủ lực bao gồm cây trồng (rau và hoa, cây kiểng); nhóm sản phẩm chăn nuôi gồm bò sữa (con giống, sữa) và heo (con giống, thịt); nhóm sản phẩm thủy sản tôm nước lợ; còn cá cảnh xác định là nhóm sản phẩm có tiềm năng.

Nhờ có những chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, giai đoạn từ 2010 - 2020, năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thành phố tăng trưởng bình quân 5,5 - 6%/năm, giá trị sản xuất bình quân tăng 5,5%. Trong đó, một số chỉ tiêu tăng trưởng ổn định như giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác tăng từ 158,5 lên 502 triệu đồng/ha/năm.

Chị Lê Thị Thơ (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) với mô hình trồng lan ngọc điểm mang lại giá trị kinh tế cao, chia sẻ: “Nhờ có hỗ trợ lãi vay của phía thành phố theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, gia đình đã có vốn để mở rộng diện tích trồng lan, cũng như đầu tư thêm công nghệ hiện đại. Quá trình làm hồ sơ, thủ tục hỗ trợ lãi vay đều được các cấp chính quyền tận tình giúp đỡ, thời gian phê duyệt nhanh chóng. Nhờ đó, người dân bớt đi gánh nặng về vốn phục vụ phát triển sản xuất”.

Những chính sách hỗ trợ thiết thực đã tạo động lực mạnh mẽ cho các huyện ngoại thành TP.HCM chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo UBND huyện Củ Chi (TP.HCM), giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2009 - 2019 tăng bình quân 8,24%/năm. Sản lượng nông sản cung cấp hàng năm khoảng 208.000 tấn rau, 8.000 tấn thủy sản các loại, 110.000 tấn sữa bò tươi và 35.000 tấn thịt các loại, 22,4 triệu cành lan mỗi năm. Doanh thu bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2018 đạt 500 triệu đồng/ha/năm... Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 hơn 60 triệu đồng/người/năm.

T.H

www.khoahocphothong.com.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ