SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh

[17/11/2020 10:26]

Xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm một đơn vị có thể chuyển giao công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân gia súc và trên cơ sở khảo sát thực tiễn các nguồn cung, Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ (KH&CN) (CESTI – Sở KH&CN TP.HCM) vừa tổ chức sự kiện Kết nối ý tưởng với chủ đề: “Công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân gia súc”.

Thiết bị trộn đảo phân bán thành phẩm.

Tại sự kiện, 2 đơn vị là Viện sinh học nông nghiệp Tất Thành (Đại học Nguyễn Tất Thành), Viện công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh miền Nam đã giới thiệu quy trình xử lý phân hữu cơ vi sinh từ phân gia súc theo quy mô đặt hàng của doanh nghiệp bao gồm các phương pháp: tách ẩm 50%, công suất 200 tấn/ngày, diện tích sản xuất từ 5 - 10 ha; sản xuất phân vi sinh từ phân bò, quy mô 10 tấn/tháng; hợp tác sản xuất phân vi sinh từ than bùn và phân gia súc… Ưu điểm mang lại là tạo ra bộ chủng vi sinh vật phong phú, có tính đặc hiệu cao, gồm các chủng vi sinh vật đối kháng, cố định đạm, phân giải lân, tạo ra các hợp chất kích thích sinh trưởng cây trồng; giúp cung cấp acid amin, vi lượng kẽm, vi lượng Bo, kali… cũng như diệt trừ côn trùng, diệt nấm và phòng trừ bệnh hại cho cây trồng trong nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau.

Theo khảo sát của Dự án hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp, các công nghệ sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận cao và khả năng thương mại hóa tốt. Nếu tận dụng được nguồn chất thải chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ, hàng năm có thể sản xuất được khoảng 17 triệu tấn phân bón hữu cơ (thay được cho khoảng 0,3 triệu tấn phân đạm, 0,19 triệu tấn phân lân và 0,58 triệu tấn phân kali nhập khẩu). Mặt khác, việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ, giảm hơn nữa lượng phân bón nhập khẩu.

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, tiềm năng của nguồn tài nguyên chất thải chăn nuôi là rất lớn, khoảng 17 ngàn tỷ đồng/năm (nếu tận dụng hiệu quả 64 triệu tấn chất thải rắn làm phân bón hữu cơ, đồng thời cũng tiết kiệm được khoảng 9,6 ngàn tỷ đồng chi phí để xử lý hơn 300 triệu mét khối nước thải đạt QCVN 62 để xả ra môi trường). Trong đó, việc tận dụng nguồn phân heo có sẵn để sản xuất phân hữu cơ vi sinh là rất cần thiết, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế từ việc quản lý nguồn phân heo hiệu quả.

Phân heo thải ra từ các trại chăn nuôi là dạng cơ chất rất giàu dinh dưỡng, hàm lượng đạm chiếm đến hơn 2%, độ ẩm khá cao (trung bình khoảng 70 - 80%), hàm lượng hữu cơ trong phân heo cao, rất tốt cho cây trồng phát triển.

Tuy vậy, phân heo rất dễ phát sinh mùi và gây ô nhiễm môi trường nếu quản lý nguồn phân không tốt. Vì thế, nếu không xử lý tốt trước khi bón sẽ rất dễ gây ngộ độc hữu cơ cho cây trồng. Bên cạnh đó, phân heo còn chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là nhóm vi khuẩn Salmonella (vi khuẩn gây bệnh thương hàn) và E. coli (gây bệnh đường ruột ở người) nên trước khi sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp, khuyến cáo cần phải ủ hoai cũng như sử dụng các biện pháp ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh. Vì vậy, công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn phân heo cần đáp ứng quy trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường do phân heo gây ra.

Kết nối ý tưởng là hoạt động mới do CESTI triển khai trong năm 2020 nhằm kết nối doanh nghiệp với nhiều nhà cung ứng cùng lúc để bàn bạc, trao đổi giải pháp công nghệ, qua đó kịp thời đáp ứng nhu cầu cải thiện khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể lựa chọn một hoặc đề nghị nhiều nhà cung ứng cùng liên kết để tạo ra giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế, góp phần nâng cao năng lực sản xuất.

Mai Dung 

www.khoahocphothong.com.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ