SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sử dụng phối hợp thuốc điều trị ở bệnh nhân tăng huyết áp lớn tuổi (Phần 1)

[27/01/2021 08:57]

Nghiên cứu do ThS. BS. Phan Thị Kim Ngân - Viện Tim TP.Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa

Trên toàn cầu có 703 triệu người ≥ 65 tuổi mắc tăng huyết áp (THA) theo thống kê của Liên Hiệp Quốc năm 2019, chiếm 9% dân số thế giới. Năm 2050, con số này dự kiến tăng lên thành 1,5 tỷ người, chiếm 16% dân số, nghĩa là cứ 6 người thì có 1 người ≥ 65 tuổi bị THA. Cũng theo thống kê này, Việt Nam có trên 7 triệu người THA ≥ 65 tuổi, chiếm 7,6% dân số.Tần suất lưu hành THA trên thế giới là 30-45%, tần suất này tăng lên >60% ở người >60 tuổi và chiếm >80% người >80 tuổi.

THA là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với bệnh lý tim mạch và tử vong, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân người cao tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh đều tăng theo tuổi. Tỷ lệ lưu hành bệnh THA ở người cao tuổi gấp đôi so với ở người trung niên. Người cao tuổi có nguy cơ bị đột quỵ đặc biệt cao và nguy cơ này được tăng lên khi có THA. Trong nghiên cứu Framingham, THA làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp hai lần ở NCT (15% ở bệnh nhân THA, so với 7% ở bệnh nhân không bị THA). Hầu hết các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, suy tim và đột quỵ đều có tiền sử THA trước đó. Dữ liệu từ các nghiên cứu quan sát chỉ ra rằng, tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ tăng dần và tuyến tính theo mức HATT từ 115 mm Hg và HATTr từ 75 mm Hg trở lên. Cứ mỗi 20 mm Hg tâm thu hoặc 10 mm Hg tâm trương tăng, thì tỷ lệ tử vong do thiếu máu cục bộ và đột quỵ tăng gấp đôi.

Tăng huyết áp (THA) là bệnh lí rất phổ biến ở người cao tuổi và là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tật và tử vong ở mọi lứa tuổi, bao gồm người rất cao tuổi. THA ở bệnh nhân trung niên và ở người cao tuổi khác nhau về tần suất lưu hành, sinh lý bệnh, mục tiêu và hướng điều trị. THA ở người cao tuổi chủ yếu là  tăng huyết áp tâm thu (HATT). Điều trị THA ở người cao tuổi khó khăn hơn rất nhiều và 90% thất bại trong điều trị là do không kiểm soát được tăng HATT.

Bệnh nhân nam, 83 tuổi, có tiền căn THA, nhồi máu não cũ, rối loạn lipid máu. Bệnh nhân có tăng huyết áp tâm thu đơn độc (THATTĐĐ), HATT chưa kiểm soát được với đơn trị liệu perindopril 5mg. Sau khi được chuyển sang viên phối hợp liều cố định indapamide SR /amlodipine 1. 5/5mg, huyết áp đạt mục tiêu và không ghi nhận tác dụng phụ.

Điều trị hạ áp phối hợp dạng viên liều cố định indapamide SR/ amlodipine tác động toàn diện trên các cơ chế chính gây THA ở người cao tuổi, đặt biệt hiệu quả ở bệnh nhân có THATTĐĐ có bằng chứng hiệu quả, an toàn và tăng khả năng tuân thủ điều trị.

ctngoc

Chuyên đề Tim mạch học
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ