SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu thử nghiệm trồng nấm bào ngư xám (Pleurotus sajor-caju (Fr.) Sing.) trên phụ phế phẩm cùi bắp, vỏ trấu và lục bình

[19/02/2021 16:05]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Nguyệt Bình, Nguyễn Thị Như Ngọc và Trần Đức Tường – Khoa Sư phạm Lý- Hóa – Sinh, Trường Đại học Đồng Tháp thực hiện.

Ảnh minh họa

Nấm bào ngư xám là loài nấm ăn phổ biến và mang lại nhiều giá trị ở các nước nhiệt đới. Đây là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khá cao, cung cấp một lượng đáng kể chất đạm, carbohydrate, vitamin và khoáng chất, đồng thời là dược liệu quý giá trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe và cũng là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nấm này được trồng chủ yếu trên cơ chất mùn cưa cao su, được thu mua từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nên giá thành tương đối cao và không chủ động nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, cơ chất để trồng nấm bào ngư xám khá đa dạng như rơm rạ, vỏ trấu, cùi bắp. lục bình, bã mía xơ dừa,…

Ở tỉnh Đồng Tháp, các phế phẩm cùi bắp, vỏ trấu và lục bình có trữ lượng rất dồi dào, rất dễ thu lấy, nhưng đa phần chưa được sử dụng hiệu quả gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Đồng bằng sông Cửu Long trồng khoảng 33 nghìn ha bắp và 4.107,4 nghìn ha lúa. Ước tính mỗi năm có hơn 372.000 tấn cùi bắp và 3,8 triệu tấn võ trấu phát thải ra môi trường. Ở Đồng Tháp có hệ thống sông ngòi dày đặc và thực trạng lục bình phát triển rất mạnh trôi trên sông, kênh, rạch,… quá dày có thể gây tắc nghẽn dòng kênh, ô nhiễm môi trường, hạn chế sự sinh trưởng và phát triển của thủy hải sản, đồng thời gây khó khăn khi lưu thông đường thủy. Hiện nay, tuy lục bình đã được sử dụng để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làm thức ăn gia súc, phân bón nhưng vẫn còn một lượng khá lớn lục bình trôi nổi trên các kênh, rạch, gây ách tắc giao thông đường thủy. Sử dụng cây lục bình để trồng nấm có nhiều ưu điểm như rễ lục bình chứa nhiều dưỡng chất, lục bình khô giữ độ ẩm rất tốt nên có thể làm giảm chi phí tưới trong nuôi trồng.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá được hiệu quả sử dụng cùi bắp, vỏ trấu và lục bình để trồng nấm bào ngư xám tại tỉnh Đồng Tháp. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức ứng với 3 phụ phế phẩm thử nghiệm và 1 nghiệm thức đối chứng ứng với mùn cưa cao su, 3 lần lặp lại (10 bịch cơ chất/lần lặp lại). Hệ sợi nấm phát triển nhanh nhất (1,34 cm/ngày) và lan đầy bịch phôi sớm nhất (17 ngày ươm tơ) trên cơ chất vỏ trấu. Các bịch phôi của vỏ trấu cho thu hoạch nấm sớm nhất (25 ngày sau khi cấy cọng meo giống cấp 3) với năng suất nấm đạt cao nhất 308,7 g/bịch phôi và hiệu suất sinh học đạt 73,50% (735 kg nấm/tấn nguyên liệu khô). Do vậy, vỏ trấu rất giàu tiềm năng được tận dụng làm cơ chất thay thế mùn cưa cao su để trồng nấm bào ngư xám đạt hiệu quả cao ở tỉnh Đồng Tháp.

ctngoc

Tạp chí nông nghiệp Việt Nam, số 22/2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ