SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giảm ô nhiễm với bảng viết phấn đa năng

[06/08/2013 09:52]

Từng thành công với việc sáng chế các nông cụ, như chày trỉa hạt, máy xúc nông sản..., mới đây, vào tháng 4/2013, kỹ sư Hoàng Thanh Liêm xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ lại vừa mới trình làng thêm sản phẩm, bảng viết phấn đa năng. Đây là sản phẩm có khả năng ứng dụng rộng rãi trong trường học, các công ty, xí nghiệp và các hộ gia đình, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng.

Bảng viết phấn đa năng của anh Liêm được nhiều người dân quan tâm

Tốt nghiệp ngành sư phạm kỹ thuật, nhưng đến nay anh Hoàng Thanh Liêm vẫn giữ nguyên dáng dấp của một nông dân. Đồng ruộng là máu thịt, cơ khí là hơi thở của anh, vì thế anh dành hầu như toàn bộ tâm huyết của mình để đưa sáng tạo cơ khí thành những sản phẩm thiết thực giúp ích cho cuộc sống người dân.

Kỹ sư về với ruộng đồng

Sau một thời gian bôn ba lên Sài Gòn lập nghiệp, cảm thấy nhớ đồng ruộng, nhớ mùi của đất quê, anh Liêm lại bươn bả về quê, và gắn bó cuộc đời mình với đồng ruộng. Tuy nhiên, khác với những người nông dân khác, anh không chấp nhận an phận để là một người nông dân, ngày đêm quần quật, bán sức mình cho thiên nhiên, mà luôn muốn vận dụng kiến thức của mình để giải phóng sức lao động cho người dân.

Đến khoảng năm 2006, chiếc chày trỉa hạt đầu tiên được anh Liêm chính thức hoàn thiện. Chày được thiết kế gồm một ống dài, trên có hộp đựng hạt. Ðâm ống xuống đất chọc lỗ, hạt từ hộp rơi xuống lỗ vừa đâm.

Chày trỉa hạt có bộ phận điều chỉnh để dùng cho nhiều loại hạt cần gieo: đậu xanh, đậu nành, bắp, đậu phộng, vì thế không cần nhiều sức người. (Trước kia, để trỉa đậu, cần hai người, một người đi trước cầm cọc chọc lỗ, người đi sau bỏ hạt vào). Ưu điểm của chiếc chày trỉa hạt này là hạn chế hạt giống rơi vãi ngoài lỗ, tốc độ gieo hạt nhanh gấp ba lần so với trỉa hạt thủ công.

Tính đến đầu năm 2013 anh Liêm đã bán ra thị trường hàng ngàn chiếc chày trỉa hạt. Giá mỗi cái là 130.000 đồng. Sắp tới, anh Liêm đang tiến hành cải tiến dây chuyền để sản xuất đại trà chày trỉa hạt, làm giảm giá thành sản phẩm. Dự kiến, khi dây chuyền đi vào hoạt động giá một cái chày trỉa hạt sẽ giảm xuống từ 70 đến 80 nghìn đồng.

Tiếp tục với công cuộc sáng tạo phục vụ nhà nông, đến năm 2009, Anh Liêm lại cho ra đời chiếc máy xúc nông sản. Hình dáng chiếc máy giống như xe đẩy, có gắn động cơ bằng máy honda hoặc môtơ điện phía trước để kéo bộ phận guồng quạt cào nông sản vào trong khoang. Một trụ đứng có guồng xoáy trôn ốc bên trong sẽ đưa nông sản lên và chảy ra theo đường ống vào trong bao.       

Máy có thể thu gom nhiều loại hạt được vun đống hay trải trên sân phơi. Nông dân chỉ việc đẩy chiếc xe đi trên sân phơi.

Nếu mệt, người dân có thể cho máy tự vận hành nhờ hệ thống gạt số tự động. Công suất của máy có thể đạt 3 - 4 tấn/giờ, tương đương 2 thanh niên khỏe mạnh làm trong một buổi. Giá máy hiện khoảng từ 7 đến 8 triệu đồng. Máy này vận hành bằng điện nên rất rẻ và hữu dụng, mỗi giờ chỉ tốn 1,5 kWh điện.

Do đầu năm 2012, bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long chuyển qua bán lúa ướt cho thương lái, mà bỏ qua công đoạn phơi sấy như trước đây, vì thế, hiện tại anh Liêm cũng đang tiến hành cải tiến sản phẩm này thành máy xúc lúa phục vụ cho lò sấy.

Giảm ô nhiễm với bảng viết phấn đa năng

Bảng viết phấn đa năng đã được anh Liêm manh nha từ lâu và ra đời vào tháng 4/2013. Sáng chế này hầu như giải quyết được mọi khuyết điểm kỹ thuật mà bảng viết phấn hiện đang sử dụng chưa có như có thể tự xóa, mặt bảng năng động hơn có thể chạy lên hay chạy xuống, tạo được thế chủ động cho bất cứ người sử dụng nào từ trẻ em cho đến người lớn.

Người lớn khi viết cuối bảng không phải cúi người, trẻ em có thể viết được những hàng chữ trên cao. Điểm đặc biệt hơn nữa là khi xóa, nó được xóa trong buồng kín, toàn bộ bụi phấn được lưu giữ lại không phát tán ra môi trường ngoài.

Bảng đa năng hoạt động nhờ động cơ điện sử dụng nguồn điện 220V với hai hệ thống cơ bản, đó là bộ phận nhận truyền động trực tiếp từ động cơ điện được cố định tại một điểm ở ru lô chủ động, và bộ phận nhận truyền động từ ru lô chủ động, bản thân bảng có thể tịnh tiến tới, lui theo chiều vuông góc trục của ru lô bị động.

Mặt bảng làm bằng vật liệu mềm dẻo được hai ru lô chủ động và bị động căng về hai phía giống như băng tải tạo mặt bảng. Có hai mặt bảng: Mặt bảng trước để viết, mặt bảng sau để xóa. Khi động cơ điện hoạt động đồng nghĩa mặt bảng chuyển động.

Trong trường hợp mất điện, bảng viết phấn đa năng hoàn toàn không mất đi tính năng, nó sẽ trở lại tính năng ban đầu của chiếc bảng sơ khai. Bảng có công suất xóa sạch gấp 30 lần so với xóa thủ công, trong một phút có thể xóa 20m² mặt bảng.

Ưu điểm thấy rõ của bảng viết phấn đa năng là không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng, tạo điều kiện làm việc thoải mái. Cân bằng giữa việc sử dụng bảng của người khuyết tật và người bình thường. Không gây bệnh nghề nghiệp, không tốn phí xử lý ô nhiễm môi trường...

Tháng 4/2013 vừa qua, anh Hoàng Thanh Liêm được mời tham gia chương trình nhà sáng chế do Ban Khoa giáo Đài Truyền hình VTV tổ chức. Chiếc máy xúc lúa vào bao của anh được ban giám khảo chấm giải nhất tuần 24, và được phong danh hiệu nhà sáng chế Việt Nam 2013. 

Được biết, những sản phẩm của anh sau khi “trình làng” đều nhanh chóng được anh đăng ký sở hữu trí tuệ và được cấp bằng độc quyền sáng chế. Hiện nay, 2 sản phẩm của anh là chày trỉa hạt và máy xúc lúa đã được cấp bằng. Riêng sản phẩm bảng viết phấn đa năng đang được anh tiến hành thủ tục để được cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền.

http://www.baodatviet.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ