SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sản xuất lúa theo hướng GAP: Bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị hạt lúa

[19/10/2013 20:54]

Một trong những dự án vừa được Sở KH-CN nghiệm thu và đánh giá cao về tính thực tiễn là dự án sản xuất thử nghiệm 100ha lúa theo hướng GAP. Hiệu quả của dự án cho thấy nông dân hoàn toàn có thể làm chủ mô hình sản xuất với hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp và mở ra hướng đi mới trong sản xuất hàng hóa lớn, đạt chất lượng xuất khẩu.

Nông dân tham quan cánh đồng mẫu lớn ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long). Ảnh: Lâm Hương Nguyên

Giảm đầu tư, tăng năng suất

Từ lâu, hạt lúa là thế mạnh của Bạc Liêu. Song, với thói quen sản xuất nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên kết giữa “các nhà” nên chất lượng và hiệu quả mang lại không cao. Trước thực trạng trên, Sở KH-CN đã triển khai thí điểm 3 dự án cánh đồng mẫu lớn và ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo hướng GAP ở 3 huyện Giá Rai, Phước Long và Vĩnh Lợi. Mô hình đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học - kỹ thuật mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình là dự án cánh đồng mẫu của 30 hộ dân ở ấp 13 (xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai). Với diện tích thực hiện 30ha, cánh đồng này cho năng suất hơn 6,2 tấn lúa/ha, lợi nhuận bình quân đạt hơn 17 triệu đồng/ha/vụ. Hay cánh đồng mẫu 30ha ở ấp Tường Thắng A (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) cho năng suất hơn 5,7 tấn lúa/ha, lợi nhuận bình quân gần 14 triệu đồng/ha/vụ. Riêng dự án cánh đồng mẫu giống lúa Tài nguyên tại ấp Thông Lưu A (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) có quy mô 40ha với 40 hộ dân tham gia thực hiện, năng suất đạt đến 7,1 tấn lúa/ha, lợi nhuận gần 26 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Lê Hoàng An (ấp Thông Lưu A) có 2ha đất sản xuất theo mô hình này, cho biết: “Những năm trước, giống lúa Tài nguyên chỉ đạt 40 - 45 giạ/công. Khi tham gia mô hình, ruộng của tôi đạt năng suất hơn 50 giạ/công. Điều đáng nói là sản xuất theo hướng GAP bà con tiết kiệm được rất nhiều chi phí, nên có lãi hơn trước…”.

Với việc sử dụng sổ tay ghi nhật ký đồng ruộng, người canh tác có thể chủ động điều chỉnh chi phí, giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, dễ truy nguyên nguồn gốc sản phẩm để phục vụ xuất khẩu.

Bảo vệ môi trường sinh thái

Sản xuất lúa theo hướng GAP, nông dân áp dụng nhiều biện pháp khoa học - kỹ thuật trong canh tác như: ứng dụng các quy trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”… Qua đó, góp phần sử dụng hợp lý nguồn vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, việc dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón sinh học (như: trùn quế, thuốc trừ sâu rầy Trắng Xanh BNT, thuốc trừ bệnh Tiên Tiến…) thay thế phân bón, thuốc hóa học sẽ góp phần bảo vệ môi trường.

Kỹ sư Lê Thanh Tú, Chủ nhiệm dự án sản xuất thử nghiệm 100ha lúa theo hướng GAP, nói: “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn và ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo hướng GAP là một cách làm mới. Với những cánh đồng mẫu lớn, nhiều nông dân cùng tham gia nên tính an toàn và độ bền vững rất cao. Bà con dễ dàng chủ động phòng trừ đồng loạt các loại sâu bệnh. Nông dân không chỉ tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận, mà quan trọng nhất là góp phần bảo vệ môi trường từ việc dùng các chế phẩm sinh học. Hạt lúa làm ra cũng giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng nên có giá trị thương phẩm cao, an toàn cho người sử dụng”.

Thực tế từ những cánh đồng mẫu thử nghiệm của dự án cho thấy, khi nông dân được đầu tư khoa học - kỹ thuật đúng mức, đúng cách thì hoàn toàn có thể làm giàu từ cây lúa.

www.baobaclieu.com.vn (nthieu)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ