SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Dự báo tác động của nước biển dâng, xâm nhập mặn theo các kịch bản biến đổi khí hậu đến đất canh tác lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long

[25/12/2014 08:27]

Việt Nam được dự báo sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó, đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, nơi chiếm 50% tổng sản lượng lúa cả nước và 90% lượng xuất khẩu gạo và cũng là nơi chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH.

Khi nước biển càng dâng cao, thì vấn đề xâm nhập mặn càng diễn ra gay gắt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và làm giảm kim ngạch xuất khẩu gạo và các mặt hang nông, lâm, thủy sản.

Xuất phát từ những lý do trên, việc nghiên cứu “Dự báo tác động của nước biển dâng, xâm nhập mặn đến đất canh tác lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long” do nhóm tác giả từ Vụ kế hoạch – Bộ Nông nghiệp và Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp đồng thực hiện nhằm tạo cơ sở khoa học để đưa ra những giải pháp thích ứng với BĐKH, nước biển dâng trong sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với phương pháp lựa chọn kịch bản phát thải trung bình (B2) đề tính toán, dự báo. Mốc thời gian được lựa chọn để tính toán là các năm:2020, 2030 và 2100 (trên cơ sở khuyến nghị của Bộ tài nguyên và Môi trường); sử dụng phương páp mô hình số độ cao (DEM) để xác định vùng bị ngập nước biển và phân tích diện tích ngập lụt do nước biển dâng; Sử dụng công cụ phân tích tính toán – mô hình thủy lực ISIS để xác định, phân vùng mặn hóa; sử dụng phương pháp chồng xếp bản đồ dự báo tác động của nước biển dâng, xâm nhập mặn theo các kịch bản BĐKH với bản đồ hiện trạng sử dụng đất lúa vùng ĐBSCL để xác định diện tích đất lúa bị ảnh hưởng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, gia tăng xâm nhập mặn tỷ lệ thuận với mực nước biển dâng và diện tích đất lúa bị ngập nước biển không thể canh tác được; diện tích đất lúa bị xâm nhập mặn tăng sẽ tác động xấu tới sản xuất, dẫn đến làm mất vụ mùa khô (vụ đông xuân), trong đó đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là đất chuyên lúa (đất lúa 3 vụ và 2 vụ). Diện tích đất canh tác lúa bị ảnh hưởng gia tăng theo các kịch bản BĐKH. Diện tích đất lúa bị ngập nước biển thì không thể canh tác được (mất cả 3 vụ), cụ thể, ứng với kịch bản nước biển dâng 12 cm – 17 cm – 75 cm thì diện tích đất lúa bị mất vụ do ngập nước biển tương ứng: 14.359 ha (chiếm 0,74% tổng diện tích đất sản xuất lúa của vùng) – 37.245 ha (chiếm 1,93%) – 344.473 ha (chiếm 17,86%). Diện tích đất lúa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn gây ra mất vụ đông xuân với kịch bản 12 cm – 17 cm  - 75 cm là 22.625 ha (chiếm 1,17% tổng diện tích đất lúa của vùng) – 50.726 ha (chiếm 2,63%) – 533.701 ha (chiếm 27,67%).

Tạp chí NN&PTNT, 4/2014
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ